Hướng dẫn cách lập dàn ý phân tích Chí Khí Anh Hùng và bài văn phân tích trích đoạn Trí Khí Anh Hùng trong truyện Kiều của Nguyễn Du. Ngoài ra, trung tâm còn hỗ trợ gia sư Văn tại nhà giúp các em học giỏi Văn, có phương pháp học tốt nhất.
I. Dàn Ý Phân Tích Chí Khí Anh Hùng
1. Mở bài
– Giới thiệu về tác giả Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều
– Giới thiệu khái quát về đoạn trích Chí khí anh hùng
2. Thân bài
a, 4 câu thơ đầu: Khát vọng lên đường của anh hùng Từ Hải
– Hoàn cảnh cuộc sống của Thúy kiều và Từ Hải: êm đềm, ngập tràn tình yêu và hạnh phúc – “hương lửa đương nồng”
– Tư thế ra đi hào hùng: Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong – một mình một ngựa ra đi không quay đầu nhìn lại
b, 12 câu tiếp theo: cuộc đối thoại đầy xúc động giữa Thúy Kiều và Từ Hải
– Lời của Thúy Kiều:
+ Yêu thương, quý trọng và thấu hiểu chồng hết mực
+ Quyết tâm, ước muốn được đi cùng Từ Hải của Kiều
– Lời đáp của Từ Hải:
+ Từ chối ước muốn của Thúy Kiều, khẳng định nàng mãi là tri âm tri kỉ của mình nhưng đồng thời cũng trách nàng chưa thoát khỏi suy nghĩ của “nữ nhi thường tình”
+ Niềm tin của Từ Hải vào một tương lai tốt đẹp, rạng rỡ: “mười vạn tinh binh”, “tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường”, “rõ mặt phi thường”
+ Lời hứa hẹn của Từ Hải với Thúy Kiều: Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia. Lời thơ vừa như một lời hứa, vừa như một lời động viên an ủi Thúy Kiều
c, 2 câu cuối: Quyết tâm ra đi của người anh hùng Từ Hải
– Hành động: quyết lời, dứt áo
– Mượn hình ảnh ẩn dụ chim bằng, Nguyễn Du đã thể hiện rõ nét về hình ảnh người anh hùng Từ Hải với lí tưởng cao đẹp, hùng tráng, phi thường, mang tầm vóc vũ trụ
3. Kết bài
– Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích Chí khí anh hùng
– Qua hình tượng nhân vật Từ Hải cho chúng ta thấy ước mơ, khát vọng và quan niệm về người anh hùng của Nguyễn Du.
II. Bài Văn Phân Tích Trích Đoạn Trí Khí Anh Hùng
1. Mở bài
Nguyễn Du là nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn, một trong những cây bút xuất sắc của nền văn học trung đại Việt Nam. Ông đã đóng góp cho nền văn học trung đại Việt Nam nhiều tác phẩm có giá trị bằng cả chữ Nôm và chữ Hán. Và có thể nói Truyện Kiều (Đoạn trường Tân thanh) là kiệt tác của ông nói riêng và của nền văn học Việt Nam nói chung. Đọc Truyện Kiều, cùng với chàng thư sinh Kim Trọng, Từ Hải cũng là nhân vật để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Và hình tượng nhân vật Từ Hải hiện lên thật rõ nét qua đoạn trích Chí khí anh hùng (từ câu 2213 đến 2230).
2. Thân bài
Giữa chốn lầu xanh của Bạc Bà, Bạc Hạnh, Từ Hải tìm đến Thúy Kiều như tìm đến một người tri âm tri kỉ. Để rồi khi ra khỏi chốn “thanh lâu” ấy người anh hùng và người con gái tài sắc vẹn tròn ấy đã có cuộc sống thật êm ấm, hạnh phúc. Nhưng dù hạnh phúc, yên vui như thế nào đi nữa cũng không thể mãi níu giữ bước chân, khát vọng của người anh hùng. Và bốn câu thơ mở đầu đoạn trích đã cho chúng ta thấy rõ khát vọng lên đường của người anh hùng Từ Hải.
Nửa năm hương lửa đương nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương
Hai câu thơ đã vẽ nên hoàn cảnh cuộc sống của Thúy Kiều và Từ Hải. “Nửa năm” đấy là quãng thời gian họ chúng sống cùng nhau, trong hương say ngọt ngào của tình yêu và hạnh phúc “hương lửa đương nồng”. Nhưng cũng chính trong lúc căng tràn của tình yêu, của hạnh phúc ấy, Từ Hải – người anh hùng phi thường cả ngoại hình lẫn tài trí ấy lại quyết tâm ra đi. Cụm từ “động lòng bốn phương” đã thể hiện rõ cho chúng ta thấy khát vọng lên đường, thỏa chí tung hoành bốn phương, không vướng bận cuộc sống gia đình, vợ con.
Và để rồi người anh hùng ấy ra đi trong tư thế thật đẹp, thật hào hùng.
Trông vời trời bể mênh mông
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong
Câu thơ “Trông vời trời bể mênh mông” với cảm hứng vũ trụ đã giúp chúng ta cảm nhận được sự lớn lao, phi thường trong khát vọng của người anh hùng Từ Hải. Để rồi, người anh hùng ấy một mình một ngựa ra đi, với tư thế “lên đường thẳng rong” – ra đi không chút bịn rịn không chút luyến lưu. Như vậy, bốn câu thơ đầu đoạn trích đã giúp chúng ta cảm nhận một cách sâu sắc về khát vọng và tư thế của người anh hùng.
Nếu bốn câu thơ đầu thể hiện khí thế ra đi của người anh hùng thì mười hai câu thơ tiếp theo, tác giả đã tái hiện một cách chân thực và sâu sắc cuộc đối thoại đầy xúc động giữa Thúy Kiều và Từ Hải. Lắng nghe những lời nói của Thúy Kiều đối với Từ Hải chắc hẳn người đọc sẽ hiểu tại sao Từ Hải lại tìm đến Thúy Kiều như tìm đến một người tri kỉ:
Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”
Hai câu thơ thật ngắn gọn, thật nhẹ nhàng nhưng đã cho chúng ta thấy rõ lòng yêu thương, quý trọng và thấu hiểu chồng hết mực của Thúy Kiều, đồng thời, qua đó cũng cho thấy rõ sự quyết tâm, ước muốn được đi cùng Từ Hải của Kiều “chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”.
Trước nỗi lòng của Thúy Kiều, những lời đáp lại của Từ Hải càng thể hiện rõ chí khí, vẻ đẹp của nhân vật. Trước hết, trong lời đáp của mình, Từ Hải đã từ chối ước muốn của Thúy Kiều, khẳng định nàng mãi là tri âm tri kỉ của mình nhưng đồng thời cũng trách nàng chưa thoát khỏi suy nghĩ của “nữ nhi thường tình” những dường như ẩn sau lời trách ấy chính là lời động viên, an ủi Kiều của Từ Hải. Chàng muốn Thúy Kiều phải khác với những người nữ nhi khác để xứng đáng là tri âm tri kỉ với chàng – một bậc anh hùng:
Từ rằng: “Tâm phúc tương tri
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình
Đồng thời, trong lời đáp của mình với Thúy Kiều, Từ Hải cũng thể hiện rõ niềm tin vào một tương lai, một sự nghiệp tươi sáng và cất lên lời hứa với Kiều.
Bao giờ mười vạn tinh binh,
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.
Làm cho rõ mặt phi thường,
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.
Bằng nay bốn bể không nhà,
Theo càng thêm bận biết là đi đâu?
Đành lòng chờ đó ít lâu,
Chầy chăng là một năm sau vội gì!”
Việc sử dụng các từ ngữ “mười vạn tinh binh”, “tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường”, “rõ mặt phi thường” đã cho chúng ta thấy rõ niềm tin của Từ Hải vào một tương lai tốt đẹp, rạng rỡ của người anh hùng này. Và lúc sự nghiệp huy hoàng, thành danh chính là lúc Từ Hải rước Kiều nghi gia. Lời thơ vừa như một lời hứa, vừa như một lời động viên an ủi Thúy Kiều vừa như một lời tự ý thức được tài năng của bản thân trong Từ Hải. Như vậy, qua mười hai câu thơ và đặc biệt qua lời đáp của Từ Hải đối với Thúy Kiều đã cho chúng ta thấy rõ khí chất, chí khí anh hùng của Từ Hải.
Đặc biệt, hai câu thơ kết thúc đoạn trích đã thể hiện rõ quyết tâm ra đi của người anh hùng Từ Hải:
Quyết lời dứt áo ra đi
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi
Mượn hình ảnh ẩn dụ chim bằng, Nguyễn Du đã thể hiện rõ nét về hình ảnh người anh hùng Từ Hải với lí tưởng cao đẹp, hùng tráng, phi thường, mang tầm vóc vũ trụ. Người anh hùng ấy ra đi thật dứt khoát, không đắm say trong hương nồng của tình yêu, của hạnh phúc mà có quên đi khát vọng, ý chí của người anh hùng.
3. Kết bài
Tóm lại, đoạn trích Chí khí anh hùng với việc sử dụng nhiều hình ảnh tượng trưng ước lệ, cùng việc sử dụng hình thức đối thoại đã cho chúng ta thấy rõ vẻ đẹp, chí khí của người anh hùng Từ Hải. Đồng thời, qua nhân vật Từ Hải Nguyễn Du cũng gửi gắm vào đó ước mơ của mình về người anh hùng.
Cảm ơn các em đã tìm đọc bài viết “Phân tích đoạn trích Chí khí anh hùng” mà trung tâm vừa mới hoàn thành. Mong rằng bài viết sẽ giúp ích các em trong quá trình học tập song các em không nên sao chép vào các bài viết của mình nhé. Nếu thấy hay, các em nhớ like và share bài viết này nhé!
Gia sư Trí Tuệ Việt chúc các bạn thành công!
TRUNG TÂM GIA SƯ TRÍ TUỆ VIỆT
Nhận Giới Thiệu Gia Sư Dạy Kèm Tại Nhà Tất Cả Các Quận, Huyện ở TPHCM.
Điện Thoại : 0983 630 461 – 0932 622 625
Email: [email protected]
Website: www.giasuttv.net
Xem thêm: Học phí gia sư dạy kèm tại nhà TPHCM
Bài viết khác:
- Giải pháp tìm gia sư môn Sinh lớp 12 chất lượng ở TPHCM
- Kinh nghiệm tìm gia sư toán cấp 3 giỏi tại TPHCM
- Gia sư luyện thi đại học tại nhà ở TPHCM
- Gia sư dạy kèm tiếng Anh tại nhà giỏi uy tín ở TPHCM
- Kinh nghiệm thuê gia sư môn văn uy tín tại TPHCM
- Kinh nghiệm tìm gia sư dạy kèm lớp 1 tại nhà
- Kinh nghiệm ôn thi đại học các bạn nên tham khảo
- Bí quyết thuê gia sư tiểu học tại nhà uy tín
-
Kinh nghiệm thuê giáo viên dạy kèm tiếng Anh tại nhà cho con
- Gia sư dạy kèm Anh Văn tại nhà giỏi uy tín, chất lượng