Hiệp Định PARIS : So Sánh Hiệp Điện Paris và Hiệp Định Giơ Ne Vơ

Toàn Cảnh Hiệp Định Paris Trong Lịch Sử và So Sánh Hiệp Điện Parí và Hiệp Định Giơ Ne Vơ. Cùng tham khảo để hiểu tầm quan trọng của 2 hiệp định này nhé.

I. Toàn Cảnh Hiệp Định Paris

1. Hoàn cảnh lịch sử của hiệp định Paris

– Vào năm 1972 Cuộc Tiến công chiến lược của ta đã giáng đòn nặng nề vào chiến lược “ Việt Nam hóa chiến tranh”, buộc Mĩ phải tuyên bố “Mĩ hóa” trở lại cuộc chiến tranh xâm lược ( tức là thừa nhận sự thất bại của chiến lược “ Việt Nam hóa chiến tranh).

– Cuối tháng 12 năm 1972, quân dân ta đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng. Cuộc tập kích của Mỹ bắt đầu từ ngày 18 đến hết ngày 29-12-1972, nhằm giành thắng lợi quân sự quyết định, buộc ta phải kí một hiệp định có lợi cho Mỹ.

– Quân dân ta ở miền Bắc đã trả không quân Mỹ những đòn thích đáng. Bắn rơi 81 máy bay ( 34 máy bay B52, 5 máy bay F111), bắt sống 43 phi công Mỹ, đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52 của chúng. Thắng lợi này được ví như trận “ Điện Biên Phủ trên không”.

– Tính chung, trong cả cuộc chiến đấu chiến tranh phá hoại lần 2 ( từ 6-4-1972 đến 15-1-1973), miền Bắc đã bắn rơi 735 máy bay ( 61 máy bay B52, 10 máy bay F111), bắn chìm 125 tàu chiến, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm phi công Mỹ.

– Điện Biên Phủ trên không là trận thắng quyết định của ta,ngày 15-1-1973 buộc đế quốc Mỹ phải tuyên bố ngừng hẳn các hoạt động chống phá miền Bắc và kí hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

2. Nội dung của hiệp định Paris

– Hoa Kỳ và các nước cùng cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

– Cuộc ngừng bắn ở miền Nam Việt Nam được diễn ra vào 24 giờ ngày 27-1-1973, Hoa Kỳ cam kết kết thúc mọi hoạt động chống phá miền Bắc Việt Nam.

– Hoa Kỳ rút hết quân viễn chinh và đồng minh trong thời gian 60 ngày kể từ khi kí hiệp định, hủy bỏ các căn cứ quân sự Mỹ, cam kết không tiếp tục can thiệp quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam.

– Nhân dân miền Nam toàn quyền quyết định tương lai chính trị thông qua tổng tuyển cử tự do, không có sự can thiệp của nước ngoài.

– Các bên công nhận miền Nam Việt Nam có 2 chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị.

– Tiến hành trao trả tù binh và dân thường bị bắt của hai bên.

– Hoa Kỳ cam kết góp phần vào công việc hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương.

3. Ý nghĩa lịch sử của hiệp định

– Là thắng lợi của sự kết hợp đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao, là kết quả của việc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân ta trên cả 2 miền đất nước, mở ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

– Với hiệp định Pari, Mỹ phải công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ta và rút hết quân về nước. Bằng thắng lợi này, về cơ bản ta đã hoàn thành nhiệm vụ đánh cho Mỹ cút, tạo ra thời cơ thuận lợi để nhân dân ta tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam.

– Tạo cơ sở pháp lý để đẩy mạnh cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, chống âm mưu và hành động mới của Mỹ và chính quyền.

– Vùng giải phóng được giữ vững và mở rộng, tạo thế và lực dẫn tới cuộc Tổng tiến công nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trên toàn quốc.

II. So Sánh Hiệp Định Pari và Hiệp Định Giơ-ne-vơ

1. Hoàn cảnh kí kết của 2 hiệp định

* Giống nhau: cả hai hiệp định đều xuất phát từ thắng lợi quân sự quyết định:

– Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954 ): ta có chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp.

– Hiệp định Pari: trận Điện Biên Phủ trên không trong 12 ngày đêm ( từ ngày 18 đến ngày 29-12-1972), quân và dân miền Bắc đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng đường không của Mỹ. Qua đó, đập tan hoàn toàn ý chí xâm lược của Mỹ ở Việt Nam.

* Khác nhau: thành phần tham dự:

– Hội nghị Giơ-ne-vơ gồm 9 bên ( Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, 3 chính phủ tay sai của Pháp ở Đông Dương, Việt Nam) do vậy là một hội nghị mang tính quốc tế để bàn về việc chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Hoàn cảnh quốc tế lúc đó không thuận lợi cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta.

– Hội nghị Pari: tuy là đàm phán 4 bên ( Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ, chính quyền Sài Gòn), nhưng thực chất là lập trường của hai bên: Việt Nam và Hoa Kỳ. Như vậy, hoàn cảnh kí kết Hiệp định Pari có lợi hơn so với Hiệp định Giơ-ne-vơ.

2. Nội dung hiệp định

* Giống nhau:

Các nước đế quốc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Các nước đế quốc cam kết rút hết quân xâm lược về nước để Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình.

* Khác nhau:

– Quy định vị trí đóng quân:

+ Hiệp định Giơ-ne-vơ quy định: ở Việt Nam được phân chia làm hai vùng đóng quân riêng biệt, từ vĩ tuyến 17 ( dọc sông Bến Hải, Quảng Trị) trở ra Bắc thuộc quyền kiểm soát của ta, từ vĩ tuyến 17 trở vào thuộc quyền kiểm soát của địch. Do đó, hai bên thực hiện tập kết, chuyển quân và chuyển giao khu vực.

+ Hiệp định Pari: không quy định hai vùng đóng quân riêng biệt, không có tập kết, chuyển quân và chuyển giao khu vực. Sau hiệp định, ta đã tạo ra một hình thái có lợi thế cho ta.

– Quy định thời gian rút quân:

+ Hiệp định Giơ-ne-vơ: Pháp phải rút khỏi miền Bắc sau 300 ngày và ở Nam Đông Dương sau hai năm. Do đó về phía thực dân Pháp có nhiều thời gian để tìm cách phá hoại cách mạng, gây khó khăn cho ta.

+ Hiệp định Pari: Mỹ phải rút quân sau 60 ngày kể từ sau khi ký, nên điều kiện phá hoại cách mạng của Mỹ bị hạn chế.

3. Ý nghĩa 2 hiệp định :

* Giống nhau:

– Đều là thắng lợi của sự kết hợp đấu tranh quân sự, kết hợp chính trị và đấu tranh ngoại giao, kết quả của sự đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân ta trong sự nghiệp chống ngoại xâm của toàn dân tộc.

– Các nước đế quốc công nhân quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ta tiến lên giải phóng hoàn toàn đất nước.

* Khác nhau:

– Hiệp định Giơ-ne-vơ: tuy là một thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp nhưng chưa trọn vẹn vì mới giải phóng được miền Bắc. Cuộc đấu tranh cách mạng vẫn tiếp tục để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vì sau khi Pháp rút quân ở miền Nam liển có Mỹ thay thế.

– Hiệp định Pari: việc quân Mỹ phải rút khỏi nước ta, phải công nhân các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ta và làm cho chính quyền Sài Gòn bị suy yếu, so sánh lực lượng giữa ta và địch thay đổi theo hướng có lợi cho nhân dân ta. Do đó tạo thời cơ thuận lợi để nhân dân ta đứng lên giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Cảm ơn các bạn độc giả đã đọc bài viết “Hiệp Định PARIS : So Sánh Hiệp Điện Parí và Hiệp Định Giơ Ne Vơ” của Trung tâm gia sư trí tuệ việt . Nếu thấy hay hãy like và share cho website nhé. Chúc các bạn học tập vui vẻ.

Gia sư Trí Tuệ Việt chúc các bạn thành công!

TRUNG TÂM GIA SƯ TRÍ TUỆ VIỆT

Nhận Giới Thiệu Gia Sư Dạy Kèm Tại Nhà Tất Cả Các Quận, Huyện ở TPHCM.

Điện Thoại : 0983 630 461 – 0932 622 625

Email: [email protected]

Website: www.giasuttv.net

Xem thêm: Học phí gia sư dạy kèm tại nhà TPHCM

Bài viết khác: