Bài Văn Mẫu và Dàn ý phân tích “Phú sông Bạch Đằng”

Dàn ý bài viết phân tích “Phú sông Bạch Đằng”

Mở bài

Giới thiệu những nét khái quát về tác giả Trương Hán Siêu (đặc điểm về tiểu sử, con người, cuộc đời, sự nghiệp sáng tác,…)

Giới thiệu khái quát về những đặc điểm của thể phú

Giới thiệu những nét khái quát về tác phẩm “Phú sông Bạch Đằng” (khái quát hoàn cảnh ra đời, đề tài, cảm hứng, những nét tiêu biểu về nội dung và nghệ thuật,…)

Thân bài

Nhân vật khách và cảm xúc lịch sử trước cảnh sắc của sông Bạch Đằng

Hình tượng nhân vật khách trong tác phẩm chính là sự hóa thân của tác giả

Những địa danh mà nhân vật “khách” đã từng đi qua:

Những địa danh ở Trung Quốc: Vũ Huyệt, “Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt” mà nhân vật khách đã đến qua những trang sách và bằng trí tưởng tượng của mình.

Những địa danh ở đất Việt:

Không gian gắn với những địa danh cụ thể: cửa Đại Than, bến Đông Triều, sông Bạch Đằng,…

Cảnh vật: vừa hùng vĩ, thơ mộng vừa ảm đạm, đìu hiu

Tâm trạng của nhân vật khách: niềm vui và nỗi buồn xen lẫn vào nhau.

Những chiến công lịch sử trên sông Bạch Đằng qua lời kể của các bô lão với nhân vật khách

Hình ảnh các bô lão xuất hiện trong bài phú đó vừa có thể là hình ảnh có thật nhưng đồng thời đó cũng có thể là sự phân thân của chính tác giả

Lời kể của các bô lão:

Lực lượng hùng hậu, quy mô lớn cùng khí thế dũng mãnh của quân đội nhà Trần khi ra trận.

Tái hiện lại sự gay go, ác liệt, khó phần phân thắng bại của trận đánh

Thái độ hung hãn, kiêu căng và đầy ngạo mạn của bọn giặc.

Kết quả: chiến thắng đã thuộc về quân đội nhà Trần

Những suy ngẫm và lời bình luận của các bô lão về những chiến tích lịch sử

Nguyên nhân của những thắng lợi: Chiến thắng ấy được làm nên bởi sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa ba yếu tố – thiên thời, địa lợi, nhân hòa và có lẽ trong đó yếu tố con người là yếu tố giữ vai trò quan trọng và chính yếu nhất.

Các bô lão cũng gián tiếp gợi lên hình ảnh của Trần Quốc Tuấn

Lời ngợi ca, khẳng định vai trò và đức độ của con người

Lời ngợi ca của các bô lão:

Vẽ nên hình ảnh của sông Bạch Đằng hùng vĩ với những luồng sóng lớn đang hối hả dồn về biển

Thể hiện tình yêu, niềm tự hào về cảnh sắc thiên nhiên đất nước nói chung, về sông Bạch Đằng nói riêng.

Mượn quy luật tất yếu ấy của tự nhiên để khái quát quy luật muôn đời của con người.

Lời ca của nhân vật “khách”:

Ngợi ca sông Bạch Đằng với vẻ đẹp hùng vĩ, với những chiến công vang dội

Ngợi ca tài năng, đức độ của hai vị anh hùng dân tộc

Ngợi ca cuộc sống êm ấm, thanh bình của đất nước.

Kết bài

Khái quát những nét đặc sắc về giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của tác phẩm “Phú sông Bạch Đằng” và nêu cảm nghĩ của bản thân.

Bài viết phân tích “Phú sông Bạch Đằng”

Mở bài

Sông Bạch Đằng – dòng sông gắn liền với những chiến thắng vang dội của lịch sử đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của thi ca với nhiều tác phẩm nổi tiếng và Trương Hán Siêu cũng góp sức mình làm phong phú thêm vẻ đẹp cho dòng sông ấy với tác phẩm “Phú sông Bạch Đằng”. Bằng thể phú – một thể văn có vần hoặc đan xen giữa văn vần với văn xuôi, “Phú sông Bạch Đằng” đã thể hiện rõ nét những chiến công trên dòng sông lịch sử và qua đó thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc của con người Việt Nam.

Thân bài

Mở đầu tác phẩm “Phú sông Bạch Đằng” là hình tượng nhân vật khách cùng những cảm xúc lịch sử trước cảnh sắc của sông Bạch Đằng. Hình tượng nhân vật khách trong tác phẩm chính là sự hóa thân của tác giả để từ đó tạo ra lối “chủ – khách đối đáp” thường thấy của thể phú. Để rồi, từ đó, hình tượng nhân vật khách hiện lên là một người có thú tiêu dao, ngắm cảnh đẹp với tâm hồn tự do, phóng khoáng, ung dung. Điều đó được thể hiện rõ nét qua việc tác giả sử dụng hàng loạt các từ ngữ “giong gió chơi vơi”, “lướt bể”, “mải miết tìm”. Với tâm hồn phóng khoáng, nhân vật khách đã đến nhiều cảnh đẹp trong và ngoài nước. Bằng thủ pháp liệt kê, tác giả Trương Hán Siêu đã khéo léo kể ra những địa danh mà nhân vật khách đã từng đặt chân tới. Đó là những địa danh ở Trung Quốc như Vũ Huyệt, “Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt” mà nhân vật khách đã đến qua những trang sách và bằng trí tưởng tượng của mình. Nhưng không dừng lại ở đó, nơi “khách” đến thăm còn là những địa danh ở đất Việt. Những không gian cụ thể một lần nữa được tác giả kể ra, đó là cửa Đại Than, là bến Đông Triều, là sông Bạch Đằng,… Nhưng không chỉ dừng lại ở việc kể tên những địa danh ấy mà tác giả còn miêu tả cảnh sắc ở nơi đây bằng những hình ảnh chân thực và gợi lên một bức tranh cảnh vật vừa hùng vĩ, thơ mộng vừa ảm đạm, hiu hắt.

Bát ngát sóng kình muôn dặm

Thướt tha đuôi trĩ một màu

Nước trời: một sắc, phong cảnh: ba thu

Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu

Sông chìm giáo gãy, gò đầy xương khô.

Trước khung cảnh thiên nhiên, cảnh sắc vừa hùng vĩ vừa ảm đạm, hiu hắt, trong lòng nhân vật “khách” hiện lên bao nỗi niềm vui buồn lẫn lộn – vui trước sự hùng vĩ, trước những chiến công vang dội nhưng đồng thời đó còn là nỗi buồn không chỉ bởi sự hiu hắt của cảnh vật mà còn bởi tiếc thương, đau xót cho những người đã mất.

Buồn vì cảnh thảm, đứng lặng giờ lâu

Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá

Tiếc thay dấu vết luống còn lưu

Như vậy, nếu trong đoạn mở đầu của bài phú, tác giả tập trung làm bật nổi hình tượng nhân vật khách thì trong phần tiếp theo, tác giả lại làm nổi bật hình tượng các bô lão với lời kể về những chiến công vang dội trên dòng sông Bạch Đằng. Hình ảnh các bô lão xuất hiện trong bài phú đó vừa có thể là hình ảnh có thật nhưng đồng thời đó cũng có thể là sự phân thân của chính tác giả để có thể tái hiện một cách chân thực, rõ nét và khách quan về những chiến công trên sông Bạch Đằng. Đồng thời, có thể thấy, với nhân vật “khách” các bô lão luôn có thái độ nhiệt tình, cởi mở, trân trọng và hiếu khách. Và rồi, trong lời kể của mình, trước hết, các bô lão đã cho thấy lực lượng hùng hậu, quy mô lớn cùng khí thế dũng mãnh của quân đội nhà Trần khi ra trận.

Thuyền bè muôn đội, tinh kì phấp phới

Hùng hổ sáu quân, giáo gươm sáng chói.

Thêm vào đó, các bô lão còn tái hiện lại sự gay go, ác liệt, khó phần phân thắng bại của trận đánh qua việc sử dụng các hình ảnh “ được thua chưa phân”, “bắc nam chống đối” kết hợp với thủ pháp cường điệu, phóng đại “nhật nguyệt phải mờ”, “bầu trời đất sắp đổi”. Đồng thời, qua việc sử dụng các từ ngữ “những tưởng gieo roi một lần”, “quét sạch nam bang bốn cõi” đã cho thấy thái độ hung hãn, kiêu căng và đầy ngạo mạn của bọn giặc. Nhưng sau tất cả, đến cuối cùng, chiến thắng đã thuộc về quân đội nhà Trần. Tác giả đã mượn những chiến tích xưa như trận Xích Bích, trận Hợp Phì để nói về những chiến thắng vang dội của quân đội nhà Trần trên sông Bạch Đằng.

Kể lại những chiến công vang dội trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, các bô lão cũng không quen đưa ra những lời bình luận của mình. Những suy ngẫm cùng lời bình luận của các bô lão về những chiến tích ấy được thể hiện rõ nét trong phần tiếp theo của bài phú. Trước hết, các bô lão đã nhắc đến nguyên nhân làm nên thắng lợi của quân và dân ta:

Quả là: Trời đất cho nơi hiểm trở

Cũng nhờ: Nhân tài giữ cuộc điện an

Chỉ với hai câu thơ ngắn gọn nhưng có lẽ cũng đủ để làm bật nổi được nguyên nhân của những thắng lợi. Chiến thắng ấy được làm nên bởi sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa ba yếu tố – thiên thời, địa lợi, nhân hòa và có lẽ trong đó yếu tố con người là yếu tố giữ vai trò quan trọng và chính yếu nhất. Đồng thời, các bô lão cũng gián tiếp gợi lên hình ảnh của Trần Quốc Tuấn trong sự đối sánh với những người tài thời trước để khẳng định tài năng, sức mạnh của người đứng đầu.

Hội nào bằng hội Mạnh Tân: như vương sư họ Lã

Trận nào bằng trận Duy Thủy: như quốc sĩ họ Hàn

Kìa trận Bạch Đằng mà đại thắng

Bởi đại vương coi thế giặc nhàn.

Cuối cùng, khép lại bài phú chính là lời ca, sự khẳng định tài năng và đức độ của con người. Đầu tiên đó chính là ngợi ca của các bô lão:

Sông Đằng một dải dài ghê

Luồng to sóng lớn dồn về biển Đông

Những người bất nghĩa tiêu vong

Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh.

Tác giả đã vẽ nên hình ảnh của sông Bạch Đằng hùng vĩ với những luồng sóng lớn đang hối hả dồn về biển Đông, từ đó, thể hiện tình yêu, niềm tự hào về cảnh sắc thiên nhiên đất nước nói chung, về sông Bạch Đằng nói riêng. Đồng thời, tác giả cũng mượn quy luật tất yếu ấy của tự nhiên để khái quát quy luật muôn đời, cũng như những dòng sông luôn đổ về biển lớn, những người bất nghĩa rồi ắt sẽ tiêu vong còn anh hùng thì sẽ mãi mãi lưu danh sử sách.

Hòa cùng lời ca của các cô lão chính là lời ca của khách.

Anh minh hai vị thánh quân

Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh

Giặc tan muôn thuở thăng bình

Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao.

Lời ca ngắn gọi của khách không chỉ ngợi ca sông Bạch Đằng với vẻ đẹp hùng vĩ, với những chiến công vang dội mà còn ngợi ca tài năng, đức độ của hai vị anh hùng dân tộc và hơn thế nữa đó chính là lời ngợi ca cuộc sống êm ấm, thanh bình của đất nước.

Kết bài

Tóm lại, tác phẩm “Phú sông Bạch Đằng” của Trương Hán Siêu qua những hoài niệm về quá khứ thông qua hình tượng khách và hình tượng các bô lão đã thể hiện niềm tự hào dân tộc và lòng yêu nước trước những chiến công vĩ đại trên dòng sông Bạch Đằng. Đồng thời, qua tác phẩm cũng giúp chúng ta lí giải vì sao “Phú sông Bạch Đằng” lại được xem là đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong kho tàng văn học trung đại Việt Nam.

Trên đây là bài viết “Phân tích Phú sông Bạch Đằng” Trung Tâm Gia Sư Trí Tuệ Việt vừa mới hoàn thành. Tuy nhiên, các em không nên sao chép bài viết này vào các bài làm của mình. Nếu thấy bài viết hay, các em hãy like và share nhé. Cảm ơn các em.

Gia sư Trí Tuệ Việt chúc các bạn thành công!

TRUNG TÂM GIA SƯ TRÍ TUỆ VIỆT

Nhận Giới Thiệu Gia Sư Dạy Kèm Tại Nhà Tất Cả Các Quận, Huyện ở TPHCM.

Điện Thoại : 0983 630 461 – 0932 622 625

Email: [email protected]

Website: www.giasuttv.net

Xem thêm: Học phí gia sư dạy kèm tại nhà TPHCM

Bài viết khác: