Văn Mẫu và Dàn ý thuyết minh về ngày Tết Nguyên đán

Dàn ý bài viết thuyết minh về ngày Tết Nguyên đán

Mở bài

Giới thiệu khái quát về đối tượng cần thuyết minh: ngày Tết Nguyên đán.

Thân bài

Nguồn gốc ra đời, lịch sử của ngày Tết Nguyên đán

Tết Nguyên đán còn được gọi bằng nhiều cái tên khác như Tết cổ truyền, Tết âm lịch, Tết Ta, Tết Cả,…
Chịu ảnh hưởng của từ văn hóa Tết âm lịch của người Trung Hoa cũng như vòng văn hóa của các nước Đông Á
Từ nguyên:
Tết trong âm Hán Việt cổ có nghĩa là tiế
“Nguyên đán” là từ Hán Việt dùng để chỉ ngày đầu tiên, sự khởi đầu cho một năm theo Nông lịch.

Các giai đoạn chủ yếu và những phong tục trong dịp Tết Nguyên đán

Giai đoạn chuẩn bị trước ngày Tết:
Mọi người mua sắm những cây đào, cây quất, cây mai, hoa tươi, đèn nháy, hay những câu đối để về trang trí lại ngôi nhà của mình cho thêm phần tươi mới, lung linh và tràn đầy sắc xuân.
Sắm sửa thực phẩm, nào rau củ, nào thịt, nào lá giong, nào nếp rồi tất bật chuẩn bị những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết,…
Ngày 23 tháng Chạp hằng năm được gọi là Tết ông Công ông Táo.
Ngày Tất niên: ngày cuối cùng của năm cũ, các gia đình thường làm cỗ cúng tất niên và tụ họp, chuyện trò.
Giao thừa: khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới
Ba ngày Tân niên trong năm mới: “Mồng Một Tết cha, mồng Hai Tết Mẹ, mồng Ba Tết thầy”.
Một số phong tục độc đáo trong năm mới:
Mừng tuổi: người lớn thường tặng trẻ em một phong bao màu đỏ, được gọi là lì xì cùng với lời chúc hay ăn, chóng lớn, học hành chăm chỉ và mọi điều tốt lành.
Đi chùa và hái lộc: để tìm kiếm, cầu mong hạnh phúc, tài lộc, bình an cho bản thân và những người trong gia đình.

Vai trò, ý nghĩa của Tết Nguyên đán

Là dịp để gia đình đoàn tụ, để những đứa con đi học hay đi làm ăn xa có dịp trở về quây quần bên mâm cơm gia đình
Tết đã trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong lòng mỗi người con đất Việt và đó chính là nơi lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp từ ngàn đời của dân tộc.
Là dịp để con cháu bày tỏ tấm lòng thành kính, biết ơn sâu sắc của mình đối với đấng sinh thành, với thầy cô và với ông bà tổ tiên, những người đã khuất.
Mọi người có thể ttrút bỏ những muộn phiền, những điều không may mắn trong năm cũ để cầu mong một năm mới với muôn điều tươi sáng và tốt đẹp.

Kết bài

Khái quát những đặc điểm nổi bật, ý nghĩa của ngày Tết Nguyên đán đối với con người Việt Nam và nêu cảm nghĩ của bản thân.

Bài viết thuyết minh về ngày Tết Nguyên đán

Mở bài

Việt Nam – dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta luôn được bạn bè trên khắp thế giới biết đến là một quốc gia nhiều lễ hội, giàu truyền thống, phong tục tập quán. Mỗi lễ hội, mỗi phong tục tập quán trên đất nước ta đều có giá trị, ý nghĩa và những nét đặc sắc rất riêng nhưng có lẽ đặc sắc và quan trọng hơn cả chính là ngày Tết cổ truyền của dân tộc – Tết Nguyên đán.

Thân bài

Tết Nguyên đán là một trong số những lễ hội quan trọng, độc đáo bậc nhất ở các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Tết Nguyên đán còn được gọi bằng nhiều cái tên khác như Tết cổ truyền, Tết âm lịch, Tết Ta, Tết Cả,… Đây là dịp lễ được tính theo năm âm lịch và đã có nguồn gốc từ lâu đời, đồng thời nó chịu ảnh hưởng của từ văn hóa Tết âm lịch của người Trung Hoa cũng như vòng văn hóa của các nước Đông Á. Tìm hiểu về từ nguyên, có thể thấy rằng, Tết trong âm Hán Việt cổ có nghĩa là tiết, điều này xuất phát từ đặc điểm của nền văn hóa lúa nước đã chia một năm thành 24 tiết khác nhau và tiết quan trọng nhất chính là tiết khởi đầu cho công việc canh tác và gieo trồng. Còn “Nguyên đán” là từ Hán Việt dùng để chỉ ngày đầu tiên, sự khởi đầu cho một năm theo Nông lịch. Như vậy, có thể thấy, Tết Nguyên đán là một ngày lễ lớn của dân tộc và nó đã hình thành trên đất nước ta từ rất sớm.

Tết Nguyên đán ở nước ta thường được tổ chức vào ngày mồng 1 tháng 1 theo Âm lịch nghĩa là vào khoảng cuối tháng Một đến đầu tháng Hai theo dương lịch. Tết Nguyên đán thường được chia thành các giai đoạn khác nhau, mỗi giai đoạn mang trong mình những nét đặc sắc riêng về phong tục và ý nghĩa. Trước hết đó chính là giai đoạn chuẩn bị cho ngày Tết, các hoạt động chuẩn bị cho ngày Tết thường rất phong phú, đa dạng và diễn ra trước ngày Tết từ một đến hai tuần. Vào thời gian này, người người, nhà nhà nô nức sắm tết và trang hoàng lại nhà cửa cho thật đẹp. Những ngày này, chợ Tết thường đông đúc lạ thường với muôn vàn mặt hàng độc đáo, khác lạ với ngày thường và lúc nào cũng đông kín người. Mọi người mua sắm những cây đào, cây quất, cây mai, hoa tươi, đèn nháy, hay những câu đối để về trang trí lại ngôi nhà của mình cho thêm phần tươi mới, lung linh và tràn đầy sắc xuân. Các mẹ, các chị thì sắm sửa thực phẩm, nào rau củ, nào thịt, nào lá giong, nào nếp rồi tất bật chuẩn bị những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết, mang đậm dấu ấn, phong tục của người Việt như giò chả, nem, thịt mỡ dưa hành, bánh chưng, bánh tét,… Cùng với đó, trong những ngày này, các gia đình, dòng họ cũng thường sắp dọn bàn thờ và tùy theo phong tục ở từng địa phương, từng vùng miền mà có thể sắp xếp, trang trí bàn thờ theo những kiểu khác nhau. Đặc biệt, ngày 23 tháng Chạp hằng năm được gọi là Tết ông Công ông Táo. Vào ngày này, người Việt thường tổ chức cúng để tiễn ông Táo về trời và lễ cúng thường có nến, hoa quả, vàng mã, hương và không thể thiếu đó chính là con có chép. Trong năm cũ, để chuẩn bị đón chào năm mới, ngày Tất niên là một ngày không thể thiếu. Vào ngày Tất niên, tức là ngày cuối cùng của năm cũ, các gia đình thường làm cỗ cúng tất niên và cả gia đình cùng nhau tụ họp, chuyện trò và chia sẻ về một năm đã qua như một lời tổng kết về năm cũ. Đặc biệt nhất đó chính là khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, được gọi là Giao thừa. Vào khoảnh khắc đặc biệt này, các gia đình cũng tổ chức lễ cúng Giao thừa, cùng nghe thư chúc Tết của Chủ tịch nước và xem bắn pháo hoa. Cũng vào thời khắc đặc biệt này, mọi người thường gửi trao nhau những lời chúc tốt đẹp, để cầu mong một năm mới đến với bao niềm vui và bao điều tuyệt vời.

Ba ngày đầu năm có thể coi là ba ngày quan trọng bậc nhất trong dịp Tết với nhiều hoạt động, lễ hội gắn với phong tục, truyền thống từ ngàn đời nay của cha ông ta. “Mồng Một Tết cha, mồng Hai Tết Mẹ, mồng Ba Tết thầy’. Quả thật, câu ca ấy đã khái quát lên đặc điểm của ba ngày đầu tiên của năm mới. Ngày mồng Một Tết được xem là ngày quan trọng nhất trong năm mới. Vào ngày này, những người tốt số, hợp tuổi với gia chủ thường đến xông đất cho chủ nhà, cầu mong cho gia chủ một năm muôn điều thuận lợi. Ngoài ra, vào ngày này, mọi người thường không ra khỏi nhà, thường ở nhà làm lễ cúng Tân niên, ăn uống và chúc tụng nhau trong nội bộ của gia đình. Tuy nhiên, những người đã lập gia đình vào ngày mồng Một thường về thăm, chúc Tết các ông bố theo phong tục “mồng Một Tết cha”. Sang ngày mồng Hai, theo phong tục, các gia đình thường tổ chức lễ cúng tại nhà vào sáng sớm và sau đó thường đi chúc Tết các bà mẹ. Và cuối cùng, vào ngày mồng Ba, các học trò thường về thăm hỏi và chúc Tết thầy cô giáo cũ và tổ chức họp lớp, gặp gỡ bạn bè.

Như vậy, có thể thấy, ba ngày đầu năm rất quan trọng và có những nét phong tục độc đáo. Tuy nhiên, ngoài các phong tục, hoạt động chủ yếu trong mỗi ngày, vào dịp Tết còn có những phong tục, hoạt động khác. Phải kể đến đầu tiên đó chính là mừng tuổi. Theo quan niệm và phong tục của ông cha ta từ ngàn đời nay, vào những ngày đầu của năm mới, người lớn thường tặng trẻ em một phong bao màu đỏ, được gọi là lì xì cùng với lời chúc hay ăn, chóng lớn, học hành chăm chỉ và mọi điều tốt lành. Cùng với đó, vào những ngày đầu năm mọi người cũng thường đi chùa và hái lộc để tìm kiếm, cầu mong hạnh phúc, tài lộc, bình an cho bản thân và những người trong gia đình.

Như vậy, có thể thấy, từ ngàn đời xưa cho đến ngày hôm nay, ngày Tết cổ truyền của dân tộc vẫn luôn giữ được những nét đẹp truyền thống, những phong tục tốt đẹp và những ngày Tết ấy vẫn còn nguyên giá trị. Trước hết, Tết chính là dịp để gia đình đoàn tụ, để những đứa con đi học hay đi làm ăn xa có dịp trở về quây quần bên mâm cơm gia đình ấm cúng với bao điều giản dị và thân thương. Cùng với đó, những ngày Tết đã trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong lòng mỗi người con đất Việt và đó chính là nơi lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp từ ngàn đời của dân tộc. Tết cổ truyền dân tộc còn là dịp để con cháu bày tỏ tấm lòng thành kính, biết ơn sâu sắc của mình đối với đấng sinh thành, với thầy cô và với ông bà tổ tiên, những người đã khuất. Ngoài ra, đây cũng là dịp để người người, nhà nhà có thể trút bỏ những muộn phiền, những điều không may mắn trong năm cũ để cầu mong một năm mới với muôn điều tươi sáng và tốt đẹp.

Kết bài

Tóm lại, Tết Nguyên đán là một trong số những ngày lễ quan trọng và độc đáo bậc nhất ở nước ta. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử cùng nhịp chảy vội vã của thời gian nhưng cho đến ngày hôm nay, Tết cổ truyền vẫn giữ nguyên vẻ đẹp độc đáo và ý nghĩa tuyệt diệu của nó trong lòng những người con đất Việt.

Cảm ơn các em đã tìm đọc bài viết “Thuyết minh về Tết Nguyên đán” mà Trung Tâm Gia Sư Trí Tuệ Việt vừa mới hoàn thành. Mong rằng bài viết sẽ hỗ trợ các em trong quá trình học tập, song các em đừng sao chép vào các bài làm của mình nhé. Hãy like và share bài viết này giúp trung tâm nhé!

Gia sư Trí Tuệ Việt chúc các bạn thành công!

TRUNG TÂM GIA SƯ TRÍ TUỆ VIỆT

Nhận Giới Thiệu Gia Sư Dạy Kèm Tại Nhà Tất Cả Các Quận, Huyện ở TPHCM.

Điện Thoại : 0983 630 461 – 0932 622 625

Email: [email protected]

Website: www.giasuttv.net

Xem thêm: Học phí gia sư dạy kèm tại nhà TPHCM

Bài viết khác: