Dàn Ý và Phân tích “Chuyện Chức Phán Sự Đền Tản Viên”

Dàn ý bài viết phân tích “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên”

Mở bài

Giới thiệu những nét khái quát về tác giả Nguyễn Dữ (khái quát về đặc điểm tiểu sử, con người, các sáng tác tiêu biểu,…)

Giới thiệu những nét khái quát về tác phẩm “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” (khái quát xuất xứ tác phẩm, chủ đề, đề tài, giá trị nội dung và những đặc sắc về nghệ thuật,…)

Thân bài

Giới thiệu những nét khái quát về nhân vật Ngô Tử Văn

“Ngô Tử Văn tên thật là Soạn”

Quê quán của Văn chính là ở “huyện Yên Dũng, đất Lạng Giang”.

Tính cách: một con người cương trực, “khảng khái, nóng nảy, thấy sự gian tà thì không thể chịu được”

Tác giả đã giới thiệu rất ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng tên tuổi, quê quán và tính cách của nhân vật Ngô Tử Văn.

Ngô Tử Văn và hành động đốt đền tà

Ngô Tử Văn quyết định đốt đền vì đó là đền thờ ma quỷ, làm yêu làm quái trong nhân dân, làm cho cuộc sống của nhân dân cơ cực.

Hành động đốt đền: “chàng tắm gội, khẩn trời rồi châm lửa đốt đền”.

Đây không phải là hành động mang tính chất tự phát mà đó là hành động làm theo lẽ phải, phù hợp với suy nghĩ, với thế giới tâm linh của người Việt.

Ý nghĩa của hành động đốt đền: Ngô Tử Văn đã đốt đền, diệt đi cái ác, cái xấu, làm hại đến nhân dân, qua đó cho thấy Ngô Tử Văn là người cương trực, yêu chính nghĩa.

Ngô Tử Văn đối mặt với hồn ma tướng giặc và đối mặt với Thổ thần

Ngô Tử Văn khi đối mặt với hồn ma tên tướng giặc:

Hồn ma của tên tướng giặc nói rất nhiều, đưa ra lời dọa dẫm và yêu cầu trả lại cho hắn ngôi đền như cũ

Ngô Tử Văn vẫn “mặc kệ, vẫn cứ ngồi ngất ngưởng tự nhiên”.

Tác giả đã để cho nhân vật im lặng như một cách để nhân vật tự kiểm chứng lại hành động của mình

Ngô Tử Văn đối mặt với Thổ thần đất Việt:

Ngô Tử Văn nói năng linh hoạt và rất cởi mở.

Thổ thần đã kể cho Ngô Tử Văn toàn bộ câu chuyện mình đã bị hại, sự xảo trá của hồn ma tướng giặc và đồng thời cũng chỉ cho Tử Văn cách để đối phó lại với hồn ma.

Ngô Tử Văn trong màn đối chất đã thể hiện được bản lĩnh, tinh thần chủ động, sự tự tin của mình.

Ngô Tử Văn và cuộc xử kiện ở âm phủ

Cảnh âm phủ được tác giả miêu tả thật rùng rợn bằng nhiều chi tiết: “quỷ sứ lôi đi”, “nhà có thanh sắt cao mấy chục trượng”, “sông lớn, gió tanh sóng xám”, “vạn quỷ Dạ Xoa mắt xanh tóc đỏ, nanh ác”.

Ngô Tử Văn trong màn xử kiện đã khảng khái đấu tranh:

Ngô Tử Văn đã cương trực kêu oan “Ngô Soạn này là một kẻ sĩ ngay thẳng ở trần gian, có tội lỗi gì xin bảo cho, không nên bắt phải chết một cách oan uổng”, đ

Giữ thái độ bình tĩnh, tâu lại đầu đuôi câu chuyện như lời Thổ công đã căn dặn chàng.

Màn xử kiện đã diễn ra vô cùng gay go, quyết liệt, “hai bên cãi cọ nhau mãi vẫn chưa phân phải trái”.

Ngô Tử Văn đã đưa ra bằng chứng “tư giấy ở đền Tản Viên” và chàng cũng cam kết nếu những lời mình nói không đúng với sự thật thì sẽ chịu thêm tội nói càn.

Kết quả của màn xử kiện: Trước những lí lẽ, bằng chứng mà Ngô Tử Văn đã đưa ra, cuối cùng, phần thắng của buổi xử kiện đã thuộc về chàng.

Ngô Tử Văn được nhận chức phán sự ở đền Tản Viên

Phần thưởng lớn nhất cho sự cương trực, chính nghĩa của chàng.

Thể hiện ước mơ của nhân dân về một cuộc sống, một xã hội công bằng và có được một vị quan thanh liêm, chính trực, hết mực lo cho cuộc sống của nhân dân.

Kết bài

Khái quát lại những nét đặc sắc nhất về giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của tác phẩm “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” và nêu cảm nghĩ của bản thân.

Bài viết phân tích “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên”

Mở bài

Sống vào thế kỉ XVI, Nguyễn Dữ được biết đến là một trong số những tác giả tiêu biểu của nền văn học trung đại Việt Nam. Ông là người đã có nhiều đóng góp cho thể loại truyền kì ở nước ta và tập truyện “Truyền kì mạn lục” là một trong số những tác phẩm xuất sắc của ông. Trong số 20 truyện của “Truyền kì mạn lục”, “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” là một tác phẩm đặc sắc viết về đề tài người tri thức trong xã hội xưa.

Thân bài

Tác phẩm “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” là câu chuyện kể xoay quanh nhân vật Ngô Tử Văn – một người tri thức trong xã hội xưa. Mở đầu tác phẩm chính là lời giới thiệu ngắn gọn nhưng đầy khái quát của tác giả về nhân vật này. Theo lời giới thiệu của tác giả “Ngô Tử Văn tên thật là Soạn”, quê quán của Văn chính là ở “huyện Yên Dũng, đất Lạng Giang”. Đồng thời, trong lời giới thiệu của mình, tác giả cũng đã cho người đọc thấy được tính cách của nhân vật, đó là một con người cương trực, “khảng khái, nóng nảy, thấy sự gian tà thì không thể chịu được”. Như vậy, có thể thấy, trong phần mở đầu của tác phẩm, tác giả đã giới thiệu rất ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng tên tuổi, quê quán và tính cách của nhân vật Ngô Tử Văn.

Trong phần tiếp theo của tác phẩm, tác giả đã tập trung làm bật nổi tính cách của nhân vật và trước hơn hết thể hiện qua hành động đốt đền tà. Sở dĩ, Ngô Tử Văn quyết định đốt đền vì đó là đền thờ ma quỷ, làm yêu làm quái trong nhân dân, làm cho cuộc sống của nhân dân cơ cực. Hành động đốt đền của chàng đã diễn ra thật trang trọng và đầy quyết liệt “chàng tắm gội, khẩn trời rồi châm lửa đốt đền”. Có thể thấy, hành động đốt đền của Ngô Tử Văn không phải là hành động mang tính chất tự phát mà đó là hành động làm theo lẽ phải, phù hợp với suy nghĩ, với thế giới tâm linh của người Việt. Ngọn lửa được Ngô Tử Văn châm lên để đốt đền chính là ngọn lửa lí tưởng cao đẹp của người trí thức, ngọn lửa của chính nghĩa, của lòng căm hờn và chính ngọn lửa ấy đã thiêu rụi, đã đốt cháy cái ác, cái xấu xa, thắp lên tinh thần đấu tranh để bảo vệ lẽ phải. Ngô Tử Văn đã đốt đền, diệt đi cái ác, cái xấu, làm hại đến nhân dân, đó là một hành động cương trực, nghĩa khí và qua đó cho thấy Ngô Tử Văn là người cương trực, yêu chính nghĩa.

Sau khi đốt đền, Ngô Tử Văn trở về nhà và chàng thấy trong người khó chịu “đầu lảo đảo và bụng run run”, “nổi lên một cơn sốt nóng sốt rét”. Để rồi, trong chính cơn nóng rét ấy, chàng đã được gặp hồn ma tên tướng giặc và vị Thổ thần đất Việt. Khi đối mặt với hồn ma tướng giặc – “một người khôi ngô, cao lớn, đầu đội mũ trụ”, “nói năng và quần áo rất giống người phương Bắc”, mặc cho hồn ma của tên tướng giặc nói rất nhiều, đưa ra lời dọa dẫm và yêu cầu trả lại cho hắn ngôi đền như cũ thì Ngô Tử Văn vẫn “mặc kệ, vẫn cứ ngồi ngất ngưởng tự nhiên”. Tác giả đã để cho nhân vật im lặng như một cách để nhân vật tự kiểm chứng lại hành động của mình nhưng đồng thời qua đó cũng để cho hồn ma tướng giặc tự diễn biến, thể hiện được bộ mặt, bản chất của chính mình. Khi gặp Thổ thần đất Việt, trái ngược hoàn toàn với lúc đối mặt với hồn ma tướng giặc, Ngô Tử Văn nói năng linh hoạt và rất cởi mở. Ngô Tử Văn đã hỏi Thổ thần rất nhiều điều và chính trong cuộc trò chuyện ấy với Thổ thần, Thổ thần đã kể cho Ngô Tử Văn toàn bộ câu chuyện mình đã bị hại, sự xảo trá của hồn ma tướng giặc và đồng thời cũng chỉ cho Tử Văn cách để đối phó lại với hồn ma. Như vậy, có thể thấy, Ngô Tử Văn trong màn đối chất đã thể hiện được bản lĩnh, tinh thần chủ động, sự tự tin của mình.

Sau lần gặp gỡ với hồn ma và Thổ thần trong cơn sốt, về đêm, bệnh tình của Tử Văn ngày càng nặng thêm và rồi chàng bị hai con quỷ dẫn xuống âm phủ. Tại nơi đây đã diễn ra màn xử kiện đầy gay go giữa Ngô Tử Văn với hồn ma tướng giặc dưới sự phán xét của Diêm vương. Cảnh âm phủ đã được nhà văn Nguyễn Dữ miêu tả bằng những chi tiết cụ thể, chân thực “quỷ sứ lôi đi”, “nhà có thanh sắt cao mấy chục trượng”, “sông lớn, gió tanh sóng xám”, “vạn quỷ Dạ Xoa mắt xanh tóc đỏ, nanh ác”. Cảnh âm phủ đã được miêu tả từ xa tới gần, từ trên xuống dưới, tất cả hiện lên thật man rợn. Khung cảnh này cùng với cảnh áp giải Ngô Tử Văn dường như đã cho thấy tình thế bất lợi của chàng thế nhưng với bản lĩnh của mình, chàng đã khảng khái đấu tranh để đòi lại công bằng. Ngô Tử Văn đã cương trực kêu oan “Ngô Soạn này là một kẻ sĩ ngay thẳng ở trần gian, có tội lỗi gì xin bảo cho, không nên bắt phải chết một cách oan uổng”, đồng thời chàng cũng đã giữ thái độ bình tĩnh, tâu lại đầu đuôi câu chuyện như lời Thổ công đã căn dặn chàng. Có thể thấy, màn xử kiện đã diễn ra vô cùng gay go, quyết liệt, “hai bên cãi cọ nhau mãi vẫn chưa phân phải trái”. Đến cuối cùng, Ngô Tử Văn đã đưa ra bằng chứng “tư giấy ở đền Tản Viên” và chàng cũng cam kết nếu những lời mình nói không đúng với sự thật thì sẽ chịu thêm tội nói càn. Trước những lí lẽ, bằng chứng mà Ngô Tử Văn đã đưa ra, cuối cùng, phần thắng của buổi xử kiện đã thuộc về chàng.

Sau khi chiến thắng, Diêm Vương truyền lệnh cho quân lính đưa Ngô Tử Văn về làng và từ đó được nhận một nửa lễ cúng của dân làng ở ngôi đền kia. Đồng thời, Thổ thần cũng tiến của Ngô Tử Văn giữ chức phán sự ở đền Tản Viên và chàng đã vui vẻ nhận lời. Chiến thắng của Ngô Tử Văn cùng việc chàng lên giữ chức phán sự ở đền Tản Viên chính là phần thưởng lớn nhất cho sự cương trực, chính nghĩa của chàng. Đồng thời, qua đó cũng thể hiện ước mơ của nhân dân về một cuộc sống, một xã hội công bằng và có được một vị quan thanh liêm, chính trực, hết mực lo cho cuộc sống của nhân dân.

Kết bài

Tóm lại, với nghệ thuật xây dựng hình tượng độc đáo, nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, độc đáo cùng nhiều chi tiết tưởng tượng, kì ảo hấp dẫn, tác phẩm “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” của Nguyễn Dữ đã đề cao tinh thần cương trực, yêu chính nghĩa, luôn sẵn sàng đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu của người trí thức đất Việt – Ngô Tử Văn. Đồng thời, qua đó cũng gửi gắm ước mơ, niềm tin công lí của nhân dân.

Trên đây là bài viết “Phân tích Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” mà trung tâm vừa mới hoàn thành. Trung Tâm Gia Sư Trí Tuệ Việt  Hi vọng, bài viết sẽ giúp ích cho các em trong quá trình tìm hiểu về tác phẩm nhưng các em không nên sao chép vào các bài làm của trung tâm nhé. Đừng quên like và share bài viết này giúp trung tâm nhé. Cảm ơn các em thật nhiều!

Gia sư Trí Tuệ Việt chúc các bạn thành công!

TRUNG TÂM GIA SƯ TRÍ TUỆ VIỆT

Nhận Giới Thiệu Gia Sư Dạy Kèm Tại Nhà Tất Cả Các Quận, Huyện ở TPHCM.

Điện Thoại : 0983 630 461 – 0932 622 625

Email: [email protected]

Website: www.giasuttv.net

Xem thêm: Học phí gia sư dạy kèm tại nhà TPHCM

Bài viết khác: