Dàn ý thuyết minh về cây dừa
Mở bài
Giới thiệu khái quát về nêu cảm nhận chung của bản thân về đối tượng thuyết minh – cây dừa.
Thân bài
Nguồn gốc và sự phân bố của cây dừa
– Nguồn gốc của nó vẫn còn nhiều tranh cãi:
+ Nhiều nhà khoa học, nghiên cứu cho rằng cây dừa có nguồn gốc ở vùng Đông Nam Á
+ Một số học giả khác lại cho rằng nguồn gốc của nó chính là ở vùng Nam Mĩ
– Dù nguồn gốc của nó là từ nơi nào thì ngày nay, cây dừa đã phổ biến ở hầu khắp các nước thuộc khí hậu nhiệt đới
– Ở Việt Nam, cây dừa được trồng nhiều ở các tỉnh ven biển như Thanh Hóa, Quảng Bình, vùng ven biển Trung Bộ Phú Yên và đặc biệt là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long
Phân loại và những đặc điểm chủ yếu của cây dừa
– Dừa ở nước ta bao gồm nhiều loại khác nhau như dừa xiêm, dừa nếp, dừa dứa, dừa lửa, dừa dâu, dừa bị,…
– Những đặc điểm chủ yếu của cây dừa:
+ Dừa là loài cây thể sống và phát triển trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng tốt hơn cả là đất cát pha
+ Dừa có khả năng chịu mặn rất tốt, có lẽ vì vậy mà chúng được trồng nhiều ở vùng ven biển
+ Dừa là loại cây họ cau, có rễ chùm và nó là loài cây lớn với chiều cao có thể lên tới 30 mét
+ Thân cây: thường có đường kính khoảng 40 đến 50 xăng-ti-mét và có màu nâu mốc, được bao bọc bởi các tàu dừa và khi các tàu dừa rụng xuống thì câu dừa cao lên
+ Lá cây: màu xanh thẫm, được sắp xếp sóng đôi, đối xứng với nhau qua qua cuống và tạo thành tàu dừa, tàu dừa có chiều dài từ 4 đến 6 mét
+ Hoa: ra quanh năm, có màu trắng, nhỏ li ti, mùi thơm nhè nhẹ và chúng mọc thành chùm, trên mỗi chùm hoa dừa có đủ cả hoa đực, hoa cái và hoa lưỡng tính.
+ Quả: lớp ngoài cùng của quả dừa thường cứng, nhẵn và bên trong lớp vỏ nhẵn cứng ấy chính là một lớp xơ, trong lớp xơ dừa ấy chính là lớp vỏ quả, lớp này thường được gọi là gáo dừa hay sọ dừa, trong lớp gáo này bởi lẽ bên trong lớp gáo là nước dừa và cơm dừa
Công dụng, vai trò và ý nghĩa của cây dừa đối với con người Việt Nam
– Có vai trò quan trọng trong việc chắn gió bão, chắn sóng biển, góp phần phòng chống sạt lở đất
– Mỗi bộ phận trên cây dừa đều có ích trong cuộc sống hằng ngày của người dân Việt Nam:
+ Thân cây: được dùng để làm củi, cột nhà hay làm cầu bắc qua những dòng nước nhỏ.
+ Xương của lá dừa được dùng để làm chổi quét
+ Tàu lá dừa có thể dùng để lợp mái nhà.
+ Vỏ dừa, xơ dừa dùng để làm củi hay để tạo độ tơi xốp cho cây trồng.
+ Gáo dừa dùng để làm gáo nước, làm nguyên liệu trong việc sản xuất đồ thủ công mĩ nghệ.
+ Nước và cơm dừa là nguồn thức ăn, nước uống hấp dẫn, bổ dưỡng và là nguồn nguyên liệu trong chế biến một số món ăn.
– Trong y học: Nước quả dừa có khả năng chữa một số căn bệnh như khản tiếng, kiết lị,…
– Là nguồn cảm hứng cho thi ca, nhạc họa,…
– Mang ý nghĩ biểu tượng cho sức sống quật cường của người dân Việt và là người bạn đồng hành của nhân dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống xâm lược.
Kết bài
Khái quát về hình ảnh cây dừa (nguồn gốc, công dụng, ý nghĩa,…) và nêu cảm nghĩ của bản thân về loài cây này.
Bài viết thuyết minh về cây dừa
Mở bài
Dừa xanh sừng sững giữa trời
Đem thân mình hiến cho đời thủy chung.
(Ca dao)
Câu ca dao ấy của ông cha ta từ ngàn đời xưa đến nay đã gợi lên trong chúng ta hình ảnh của cây dừa – một loài cây gắn bó thân thiết với nhân dân ta và để rồi, cùng với hình ảnh của cây lũa, của lũy tre làng làm nên nét đẹp rất riêng, rất độc đáo của đất nước Việt Nam nói chung và làng quê Việt Nam nói riêng.
Thân bài
Dừa là một loài cây phổ biến và quen thuộc ở Việt Nam song cho đến nay, nguồn gốc của nó vẫn còn nhiều tranh cãi. Nhiều nhà khoa học, nghiên cứu cho rằng cây dừa có nguồn gốc ở vùng Đông Nam Á, một số học giả khác lại cho rằng nguồn gốc của nó chính là ở vùng Nam Mĩ. Song, dù nguồn gốc của nó là từ nơi nào đi chăng nữa, thì ngày nay, cây dừa đã phổ biến ở hầu khắp các nước thuộc khí hậu nhiệt đới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ở Việt Nam, cây dừa đã tồn tại từ ngàn đời nay ở nhiều nơi trên khắp cả nước song phổ biến hơn cả là ở các tỉnh ven biển như Thanh Hóa, Quảng Bình, vùng ven biển Trung Bộ Phú Yên và đặc biệt là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Dừa ở nước ta bao gồm nhiều loại khác nhau như dừa xiêm, dừa nếp, dừa dứa, dừa lửa, dừa dâu, dừa bị,… Mỗi loài dừa ấy mang những nét đặc trưng riêng để người ta dễ dàng phân biệt song dẫu thuộc loại dừa nào đi chăng nữa thì chúng vẫn mang những đặc trưng riêng của loài dừa. Dừa là loài cây sinh trưởng, phát triển tốt, nó có thể sống và phát triển trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng tốt hơn cả là đất cát pha. Thêm vào đó, dừa có khả năng chịu mặn rất tốt, có lẽ vì vậy mà chúng được trồng nhiều ở vùng ven biển. Thêm vào đó, dừa là loại cây họ cau, có rễ chùm và nó là loài cây lớn với chiều cao có thể lên tới 30 mét. Đồng thời, mỗi bộ phận trên cây dừa cũng mang những đặc điểm rất riêng. Thân cây dừa thường có đường kính khoảng 40 đến 50 xăng-ti-mét và có màu nâu mốc. Không dừng lại ở đó, thân dừa còn được bao bọc bởi các tàu dừa. Theo thời gian, khi lớp tàu dừa bên ngoài lớn lên rồi khô đi và rụng xuống thì thân cây dừa cũng theo đó mà cao lên. Lá dừa màu xanh thẫm, được sắp xếp sóng đôi, đối xứng với nhau qua qua cuống và tạo thành tàu dừa. Tàu dừa mọc xung quanh thân dừa, có chiều dài từ 4 đến 6 mét và theo thời gian nó sẽ rụng đi. Khác với các loài cây khác, dừa là loài cây ra hoa quanh năm. Hoa dừa có màu trắng, nhỏ li ti, mùi thơm nhè nhẹ và chúng mọc thành chùm. Một điều đặc biệt nữa của hoa dừa đó chính là trên mỗi chùm hoa dừa có đủ cả hoa đực, hoa cái và hoa lưỡng tính. Sau hoa dừa đó chính là quả dừa. Lớp ngoài cùng của quả dừa thường cứng, nhẵn và bên trong lớp vỏ nhẵn cứng ấy chính là một lớp xơ, có lẽ bởi vậy mà người ta vẫn thường gọi dừa là loại quả hạch có xơ. Bên trong lớp xơ dừa ấy chính là lớp vỏ quả, lớp này thường được gọi là gáo dừa hay sọ dừa. Song điều đặc biệt nhất của quả dừa chính là ở trong lớp gáo này bởi lẽ bên trong lớp gáo là nước dừa và cơm dừa – những món ăn, thức uống rất đặc biệt. Quả dừa thường không mọc riêng rẽ mà kết lại với nhau thành từng chùm, mỗi chùm dừa có từ 10 đến 12 quả vào độ lớn của cây, độ sai của quả dừa mà số lượng quả trên một chùm có thể thay đổi.
Sống phổ biến ở nhiều nơi trên đất nước ta, cây dừa có một vai trò, vị trí và ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với con người Việt Nam. Trước hết, cây dừa được trồng nhiều ở vùng ven biển, bởi vậy nó có vai trò quan trọng trong việc chắn gió bão, chắn sóng biển, góp phần phòng chống sạt lở đất. Thêm vào đó, mỗi bộ phận trên cây dừa đều có ích trong cuộc sống hằng ngày của người dân Việt Nam. Thân cây dừa rất chắc chắn, vì thế nó được dùng để làm củi, cột nhà hay làm cầu bắc qua những dòng nước nhỏ. Xương của lá dừa được dùng để làm chổi quét còn những tàu lá dừa có thể dùng để lợp mái nhà. Đồng thời, mỗi bộ phận trong quả dừa cũng đều có giá trị cả. Vỏ dừa, xơ dừa dùng để làm củi hay để tạo độ tơi xốp cho cây trồng. Gáo dừa dùng để làm gáo nước, làm nơi trồng cây hoặc làm nguyên liệu trong việc sản xuất đồ thủ công mĩ nghệ. Nước và cơm dừa có giá trị dinh dưỡng rất cao, là nguồn thức ăn, nước uống hấp dẫn, bổ dưỡng và là nguồn nguyên liệu trong chế biến một số món ăn như xôi dừa, thịt kho tàu, chè dừa non, làm mứt, làm kẹo…hay là nguyên liệu để sản xuất ra dầu dừa – một loại dầu được sử dụng rộng rãi trong làm đẹp. Không chỉ dừng lại trong đời sống hằng ngày, cây dừa cũng có vai trò quan trọng trong nền ý học từ xưa đến nay. Nước quả dừa không chỉ là nguồn thức uống bổ dưỡng, giàu vitamin mà nó còn có khả năng chữa một số căn bệnh như khản tiếng, kiết lị, nôn mửa, viêm thận phù nề,… Đặc biệt, dừa còn là nguồn cảm hứng, là loài cây được nhắc tới nhiều trong văn học với nhiều tác phẩm văn học và thơ ca nổi tiếng qua nhiều thế hệ. Cây dừa còn là biểu tượng cho đất nước Việt Nam, cho con người Việt Nam với sức sống quật cường, với nghị lực sống phi thường trước những khó khăn của cuộc sống. Cây dừa còn là người bạn đồng hành cùng nhân dân miền Nam chịu biết bao đau thương, mất mát trong cuộc kháng chiến trường kì bảo vệ quê hương, đất nước, đúng như nhà thơ Lê Anh Xuân trong bài thơ “Dừa ơi” từng viết:
Dừa bi thương dừa không cúi xuống
Vẫn ngẩng lên ca hát giữa trời
Nếu ngã xuống dừa ơi không uổng
Dừa lại đứng lên thân dựng pháo đài.
Kết bài
Tóm lại, dừa là loài cây phổ biến ở nhiều nơi trên đất nước ta và nó có vai trò, vị trí to lớn trong đời sống của con người Việt Nam từ xa xưa đến nay. Thời gian trôi đi, dẫu mọi thứ sẽ ngày càng phát triển, nhưng sẽ không bất cứ điều gì có thể thay thế được cây dừa trong đời sống của con người Việt Nam.
Trên đây là bài viết “Thuyết minh về cây dừa” mà Trung Tâm Gia Sư Trí Tuệ Việt vừa hoàn thành. Hi vọng bài viết sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học tập song các em không nên sao chép vào các bài làm của mình. Nếu thấy bài viết hay, các em nhớ like và share nhé. Cảm ơn các em!
Gia sư Trí Tuệ Việt chúc các bạn thành công!
TRUNG TÂM GIA SƯ TRÍ TUỆ VIỆT
Nhận Giới Thiệu Gia Sư Dạy Kèm Tại Nhà Tất Cả Các Quận, Huyện ở TPHCM.
Điện Thoại : 0983 630 461 – 0932 622 625
Email: [email protected]
Website: www.giasuttv.net
Xem thêm: Học phí gia sư dạy kèm tại nhà TPHCM
Bài viết khác:
- Giải pháp tìm gia sư môn Sinh lớp 12 chất lượng ở TPHCM
- Kinh nghiệm tìm gia sư toán cấp 3 giỏi tại TPHCM
- Gia sư luyện thi đại học tại nhà ở TPHCM
- Gia sư dạy kèm tiếng Anh tại nhà giỏi uy tín ở TPHCM
- Kinh nghiệm thuê gia sư môn văn uy tín tại TPHCM
- Kinh nghiệm tìm gia sư dạy kèm lớp 1 tại nhà
- Kinh nghiệm ôn thi đại học các bạn nên tham khảo
- Bí quyết thuê gia sư tiểu học tại nhà uy tín
-
Kinh nghiệm thuê giáo viên dạy kèm tiếng Anh tại nhà cho con
- Gia sư dạy kèm Anh Văn tại nhà giỏi uy tín, chất lượng