Hướng dẫn cách lập dàn ý bài văn nghị luận về ô nhiễm môi trường và bài văn mẫu nghị luận ô nhiễm môi trường sống của con người. Giúp các em học tập tốt hơn và hiểu hơn về việc giữ gìn môi trường sống của chúng ta.
I. Lập Dàn Ý Bài Văn Nghị Luận Về Ô Nhiễm Môi Trường
1. Mở bài
– Dẫn dắt vấn đề từ hiện tượng đời sống: Trái Đất đang nóng dần lên, băng tan ở hai cực, bầu không khí nặng khói bụi, … luôn là điều đáng lo ngại trong dân chúng về chất lượng cuộc sống ngày càng kém đi.
– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: ô nhiễm môi trường đang trở thành một vấn đề mà toàn xã hội quan tâm.
2. Thân bài
a. Giải thích hiện tượng
– Ô nhiễm môi trường: hiện trạng môi trường có những chất độc gây hại đến đời sống con người.
– Ô nhiễm môi trường gồm: ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất, ô nhiễm nước, ô nhiễm tiếng ồn.
=> Đây là hiện tượng tiêu cực, khiến sự sống của con người và sinh vật trên trái đất ngày càng bị hủy hoại.
b. Bàn luận
+ Hiện trạng
* Ô nhiễm đất:
– Đất nhiễm chất độc hóa học do chiến tranh và hoạt động phun thuốc trừ sâu, sử dụng phân bón hóa học của hoạt động nông nghiệp: nước ta bị Mỹ rải 80 triệu lít chất độc màu da cam để tàn phá miền Nam Việt Nam.
– Đất bị nhiễm mặn, ngập mặn do tác động của biến đổi khí hậu: một trong những nơi chịu tác động nặng nề nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Do nước biển dâng cao khiến quá trình xâm nhập mặn diễn ra nhanh hơn.
* Ô nhiễm nước:
– Hàng nghìn người tử vong mỗi năm do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm: nước sông Tô Lịch đen ngòm, bốc mùi khó chịu.
– Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh xảy ra hiện tượng nước nhiễm chì, kim loại nặng với một lượng lớn.
* Ô nhiễm không khí:
– Việt Nam là một trong những nước đứng đầu về ô nhiễm không khí trên thế giới.
– Không khí đặc biệt ô nhiễm trên các tuyến đường giao thông chính do lưu lượng khí thải từ phương tiện lưu thông quá cao.
+ Tác hại
– Con người dễ mắc các vấn đề về sức khỏe: ung thư, bệnh về đường hô hấp,..
– Các sinh vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
– Nước biển dâng, xâm chiếm đất liền (Cà Mau)
+ Nguyên nhân
– Vì ý thức của người dân còn quá kém: hay xả rác rất bừa bãi.
– Ý thức doanh nghiệp: thải khí thải, rác thải công nghiệp ra ngoài môi trường.
– Nhà nước chưa có biện pháp quản lí thiết thực, còn nhiều lỗ hổng trong công tác điều khiển bộ máy bảo vệ môi trường.
– Do chiến tranh, các cuộc rò rỉ nhà máy hạt nhân,..
+ Giải pháp ngăn chặn hiện tượng
– Nâng cao ý thức từng cá nhân: giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, tham gia phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng túi ni lông, đồ nhựa,…
– Các nước giải quyết các vấn đề tranh chấp trong hòa bình.
– Áp dụng khoa học công nghệ vào xử lí chất thải.
c. Bài học nhận thức và hành động
– Bài học nhận thức: khẳng định hiện tượng xấu, cần phê phán, bị loại trừ
– Bài học hành động: rút ra hành động cụ thể cho bản thân
3. Kết bài
Khẳng định ý nghĩa, tính thời sự của hiện tượng đối với xã hội: là hiện tượng tiêu cực cần cả xã hội chung tay khắc phục.
II. Bài Văn Mẫu Nghị Luận Về Môi Trường
1. Mở bài
“Nếu đổi được kiếp này, tôi xin hóa ruộng đồng,
Thử nếm vị thuốc sâu, thử sặc mùi hóa chất,
Thử chịu bão giông, thử sâu rày, khô khát,
Thử ngập mặn, triều cường, núi lửa, sóng thần dâng.
Nếu đổi được kiếp này, tôi xin hóa đại dương,
Thử dầu loang hắc nồng, mùi cá trôi hôi thối,
Đau vì kiệt tài nguyên, khổ vì không biết nói,
Thử biết gồng mình, thử quằn quại đứng lên.
(Nguyễn Bích Ngân)
Nghe những lời thơ mà ta bỗng thấy nhói trong tim mình. Người bạn muôn đời của chúng ta – môi trường đang từng ngày từng giờ bị đe dọa. Ô nhiễm môi trường đang trở thành một vấn đề mà toàn xã hội quan tâm. Đây không còn là trách nhiệm của bất cứ cá nhân, tổ chức nào mà là của toàn xã hội.
2. Thân bài
Ô nhiễm môi trường là hiện trạng môi trường (môi trường không khí, môi trường đất, môi trường nước) xuất hiện các chất độc hại làm ảnh hưởng tới cuộc sống của con người và sinh vật. Những chất độc ấy có thể không khiến ta phát bệnh ngay mà ngấm dần, tích tụ trong cơ thể qua nhiều năm tháng và rồi bùng phát thành bệnh vô phương cứu chữa. Đây là một quả bom nổ chậm, một hiện tượng tiêu cực đang bào mòn sự sống của nhân loại.
Thật không khó để ta bắt gặp những bằng chứng của hiện trạng ô nhiễm môi trường. Đất đai là một trong những “nạn nhân” lớn nhất của sự biến đổi môi trường này. Chính hoạt động khai thác nông nghiệp bằng các loại phân hóa học hay tàn dư của chiến tranh đã khiến đất mẹ bị nhiễm một lượng lớn chất hóa học:
“Nhân danh ai?
Bay mang những B 52
[…]Đến Việt NamĐể ám sát hoà bình và tự do dân tộc
Để đốt những nhà thương, trường học
Giết những con người chỉ biết yêu thương
Giết những trẻ em chỉ biết đi trường
Giết những đồng xanh bốn mùa hoa lá
Và giết cả những dòng sông của thơ ca nhạc hoạ!”
(Tố Hữu)
Đau đớn thay khi Mỹ đã từng rải 80 triệu lít chất độc màu da cam để tàn phá miền Nam Việt Nam, để áp chế đồng bào ta. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những tàn dư của nó thì vẫn còn đấy, hiển hiện trong đất đai, hiển hiện trên những con người tật nguyền nhiễm chất độc. Không chỉ vậy, đất còn bị nhiễm mặn do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, vùng đồng bằng sông Cửu Long có lẽ là nơi chịu tác động nặng nề nhất… Ngay đến nguồn nước cũng bị “đầu độc” bởi chính con người. Hàng nghìn người tử vong mỗi năm do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Dòng sông Tô Lịch là minh chứng lịch sử năm nào nay đã trở nên đen ngòm, là nỗi ám ảnh mùi hôi thối với người dân thủ đô Hà Nội. Ngay ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh xảy ra hiện tượng nước bị nhiễm chì, kim loại nặng, đe dọa sức khỏe người dân…Việt Nam còn là một trong những nước đứng đầu về mức độ ô nhiễm không khí trên thế giới. Đặc biệt trên các tuyến đường giao thông lớn giờ cao điểm thì lượng khí thải từ các phương tiện giao thông càng cao.
Hậu quả mà ô nhiễm môi trường gây ra thật không thể lường trước được. Con người trở nên dễ mắc các vấn đề sức khoẻ như: ung thư, bệnh về đường hô hấp,… Những sinh vật quý và hiếm còn đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Mũi Cà Mau từ lâu đã bị nước biển xâm lấn, không còn hình thù như chiếc mũi thuyền chúng ta từng được học nữa. Và còn vô vàn, vô vàn những hiểm nguy mà con người phải đối mặt khi xem nhẹ việc bảo vệ môi trường mà không liệt kê hết ra đây được. “Trái Đất có thể đáp ứng mọi nhu cầu của con người nhưng không thể đáp ứng được lòng tham của mỗi người”. (Mahatma Gandhi). Nếu con người còn tiếp tục tham lam vật chất mà bỏ quên những hậu quả mà mình gây ra thì chắc chắn giống sinh vật bậc cao này sẽ đối mặt với những hậu quả còn khủng khiếp hơn nữa.
Vậy do đâu, nguyên nhân nào dẫn tới môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng đến như vậy? Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến chính là do ý thức người dân còn kém. Uống xong ly nước mía, họ tiện tay vứt ra vỉa hè, ăn xong kẹo cao su, họ tiện tay nhổ bã ra đường, hay tiện tay vứt túi ni lông xuống sông,…. Vô vàn cái “tiện tay” ấy thật nguy hiểm:
“Rừng xanh người phá tan rồi kêu chi?
Thảm xanh lá phổi bé đi
Khói xe, nhà máy nó thì nóng lên!…”
Sau đó là kể đến ý thức của doanh nghiệp. Họ đặt lợi nhuận lên hàng đầu mà xem nhẹ việc xử lí chất thải khi đưa nó ra ngoài môi trường. Ngay đến nhà nước cũng chưa thực sự quyết liệt trong việc xử lí các vấn đề vi phạm, còn nhiều lỗ hổng trong công tác điều khiển bộ máy bảo vệ môi trường. Nặng nề nhất chính là do chiến tranh: những cuộc thử vũ khí hạt nhân, những trái bom mìn ném xuống,… đều là tác nhân khiến môi trường bị suy thoái, không chỉ trong vài chục năm mà còn là hàng trăm năm.
Giải pháp thiết thực nhất cho hiện trạng trên chính là việc nâng cao ý thức từng cá nhân: giáo dục ý thức bảo vệ môi trường ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tích cực tham gia các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế dùng túi ni lông, đồ nhựa,… Nhà nước cũng cần quan tâm áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào trong xử lí các vấn đề môi trường. Các nước trên thế giới nên có quy ước chung về vũ khí hạt nhân và giải quyết các tranh chấp trong hòa bình.
“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
Tin rằng với sức mạnh của cộng đồng thì ô nhiễm môi trường sẽ từng bước được giải quyết.
Muốn vậy, mỗi cá nhân cần rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân. Cần nhận thức được đây là hiện tượng xấu và cần chung tay lên án, bảo vệ môi trường, Hành động thiết thực nhất chính là bắt đầu từ những việc nhỏ: vứt rác vào thùng, ưu tiên dùng đồ có khả năng tái chế, tham gia vào việc giáo dục ý thức cho cộng đồng và hãy cùng nhau trồng nhiều cây xanh hơn nữa để thanh lọc bầu không khí,…
3. Kết bài
Như vậy, ô nhiễm môi trường thực sự là vấn đề mang tính thời sự. “Chúng ta chẳng bao giờ hiểu hết được giá trị của nguồn nước cho đến khi những cái giếng cạn khô.” (Thomas Fuller) Đừng để mất đi rồi mới biết trân trọng nó. Cả xã hội cần đồng lòng mang lại vẻ đẹp tươi xanh của môi trường tự thuở nào.
* trung tâm gia sư Trí tuệ Việt thân gửi tới các bạn nhỏ tài liệu tham khảo Bài nghị luận về ô nhiễm môi trường. Mong rằng món quà nhỏ nhoi này sẽ giúp các bạn cảm thấy dễ dàng hơn khi học tập môn văn. Nhưng các bạn không nên sao chép nó mà hãy biến nó thành kiến thức của mình. Có như vậy việc học của chúng mình mới có thể tiến bộ được. Nếu thấy hay hãy like và share bài viết này nhé!!!
Gia sư Trí Tuệ Việt chúc các bạn thành công!
TRUNG TÂM GIA SƯ TRÍ TUỆ VIỆT
Nhận Giới Thiệu Gia Sư Dạy Kèm Tại Nhà Tất Cả Các Quận, Huyện ở TPHCM.
Điện Thoại : 0983 630 461 – 0932 622 625
Email: [email protected]
Website: www.giasuttv.net
Xem thêm: Học phí gia sư dạy kèm tại nhà TPHCM
Bài viết khác:
- Giải pháp tìm gia sư môn Sinh lớp 12 chất lượng ở TPHCM
- Kinh nghiệm tìm gia sư toán cấp 3 giỏi tại TPHCM
- Gia sư luyện thi đại học tại nhà ở TPHCM
- Gia sư dạy kèm tiếng Anh tại nhà giỏi uy tín ở TPHCM
- Kinh nghiệm thuê gia sư môn văn uy tín tại TPHCM
- Kinh nghiệm tìm gia sư dạy kèm lớp 1 tại nhà
- Kinh nghiệm ôn thi đại học các bạn nên tham khảo
- Bí quyết thuê gia sư tiểu học tại nhà uy tín
-
Kinh nghiệm thuê giáo viên dạy kèm tiếng Anh tại nhà cho con
- Gia sư dạy kèm Anh Văn tại nhà giỏi uy tín, chất lượng