Cậu học trò ‘ngửi chữ’ mơ làm thầy giáo

Thi ngành Sư phạm Toán ĐH Sư phạm Đà Nẵng, Phạm Phú Thịnh với biệt danh “ngửi chữ” đạt 23 điểm. Hạnh phúc vì con đỗ đại học, song cả gia đình đang trĩu nặng âu lo do chưa biết xoay xở thế nào để Thịnh thỏa ước mơ làm thầy giáo.

Trong căn nhà cấp 4 đã xuống cấp nằm đối diện với đồng lúa và núi Chò Gó, Phạm Phú Thịnh (18 tuổi, thôn Đức Thạnh, xã Tam Vinh, Phú Ninh, Quảng Nam) khó nhọc áp sát mặt vào cuốn sách để ôn lại kiến thức.

Không may mắn như bạn bè cùng trang lứa, lúc sinh ra Thịnh bị dị dạng giác mạc, đục thủy tinh thể bẩm sinh, đôi mắt toàn một màu trắng, tròng đen nhỏ bằng hạt cát. Em chỉ nhìn thấy mọi vật lờ mờ trong chừng non nửa thước. Để đọc được chữ, Thịnh phải áp sát sách vở vào mặt rà qua, rà lại một cách khó khăn. Cũng từ đó, Thịnh được bạn bè đặt cho biệt danh “ngửi chữ”.

thinh1-1376535633_500x0.jpg
Bị đục thể tinh thủy, Thịnh rất khó để đọc chữ. Ảnh: Thu Bồn.

Mẹ Thịnh, bà Lưu Thị Huệ (44 tuổi) cho biết, vợ chồng bà sinh 2 gái một trai thì Thịnh và chị gái bị bệnh về mắt. Chị gái Thịnh cũng bị cận loạn đến 13 độ. Gia đình đã nhiều lần đưa Thịnh đi chữa trị khắp nơi nhưng đến đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu của bác sĩ. Thương con, bà Huệ chỉ biết giữ con trong nhà, không dám cho ra đường vì sợ xe đụng hay trâu bò húc phải. Song khi thấy bạn bè cắp sách đến trường, Thịnh nằng nặc đòi ba mẹ mua sách vở đi học.

Nghĩ đưa con đến trường để tạo niềm vui, vợ chồng bà Huệ đành chiều con. Họ không ngờ 12 năm liền Thịnh đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm lớp 8, Thịnh còn đạt giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện môn Hóa. Đến lớp, Thịnh chỉ ngồi nghe thầy cô giảng bài và cố gắng học thuộc ngay, sau buổi học em mượn vở bạn bè mang về chép lại.

Thi vào ngành Sư phạm Toán ĐH Sư phạm Đà Nẵng, đạt số điểm khá cao với các môn Toán, Hóa 8 điểm và Lý 7 điểm, Thịnh vẫn chưa hài lòng. “2 môn thi trắc nghiệm, đề bài 50 câu nhưng em chỉ rà được chưa đến 40 câu đã hết thời gian. Nếu thời gian kéo dài thì chắc em sẽ giải được toàn bộ đề”, Thịnh tiếc nuối.

“Từ khi cắp sách đến trường, các thầy cô luôn giúp đỡ em. Điều nãy đã để lại ấn tượng lớn trong lòng em, Em ước mơ sau này sẽ trở thành thầy giáo giỏi để có thể giảng dạy cho những người có hoàn cảnh không may mắn như mình, tiếp nữa là để tri ân thầy cô đã yêu thương, giúp đỡ”, Thịnh tâm sự.

Cùng với niềm vui con trai đậu đại học với số điểm cao là sự lo lắng của vợ chồng bà Huệ. Chồng bà, ông Phạm Nhàng (46 tuổi) làm nghề bốc vác gỗ thuê tại xưởng mộc. Còn bà Huệ ngoài thời gian đưa đón Thịnh đến trường, bà đạp xe khắp các ngõ hẻm để mua ve chai đem bán. Ngày cao nhất, thu nhập của hai vợ chồng chỉ được 150.000 đồng. Ngoài ra, họ còn phải nuôi cô con gái đầu đang học năm 3 ĐH Kinh tế TP HCM và cô con gái út chuẩn bị vào lớp 11.

thinh2-1376535633_500x0.jpg
Người mẹ luôn tự hào về cậu con trai đạt nhiều thành tích học tập. Ảnh: Thu Bồn.

“Sắp tới thằng Thịnh ra ngoài Đà Nẵng học tôi phải theo con ra ngoài đó. Tôi đi rồi, 3 sào ruộng để mình ông làm không biết có kham nổi không. Rồi ra ngoài thành phố, không biết kiếm nghề chi làm để kiếm thu nhập đây”, bà Huệ trăn trở.

Thầy Phan Nhật Đức, giáo viên chủ nhiệm của Thịnh tại trường THPT Nguyễn Dục, nhận xét Thịnh là học trò rất chăm ngoan, thông minh, có tư duy tốt và giàu nghị lực. Trong 3 năm học phổ thông, Thịnh là một trong 4 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi 3 năm liền của lớp.

Thầy Thịnh thông tin thêm, trước khi thi đại học, nhiều giáo viên đã hướng dẫn Thịnh làm hồ sơ xét tuyển thẳng vào ĐH Quảng Nam. Vì theo quy định, học sinh khuyết tật và đạt danh hiệu học sinh giỏi 12 năm liền sẽ được xét tuyển thẳng. Tuy nhiên, Thịnh từ chối và muốn đi thi để chứng tỏ khả năng.

“Trước khi thi tôi định hướng em vào trường đại học bách khoa, sau này ra trường có thể thiết kế phần mềm. Nhưng cuối cùng em đã chọn thi sư phạm. Tôi tôn trọng quyết định của em nhưng cũng rất tiếc, bởi em đi theo sư phạm là đã lãng phí một nhân tài”, thầy Đức nói.

Ông Trương Văn Trí, Chủ tịch UBND xã Tam Vinh cho hay, Phạm Phú Thịnh là cậu học trò đặc biệt của xã. Mặc dù gia đình khó khăn, bản thân tật nguyền, nhưng em đã quyết tâm vươn lên để học giỏi. “Dường như cả xã này ai cũng biết hoàn cảnh của vợ chồng bà Huệ, nhưng ai cũng nể phục vì cả 3 đứa con đều được vợ chồng bà ấy nuôi ăn học đến nơi đến chốn”, ông Trí nói.

(Trích từ vnexpress.net)

Trả lời