Mới đây, gần 200 học sinh khối lớp 7 của Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TPHCM) đã tham dự tiết học ngoài nhà trường, tìm hiểu về các loài động vật đang nuôi dưỡng ở Thảo Cầm viên Sài Gòn.
Tuy đã vào đây tham quan nhiều lần nhưng với tiết học môn sinh vật bằng trực quan, học sinh được hướng dẫn viên giới thiệu tỉ mỉ, cặn kẽ về các loài động vật gồm bộ ăn thịt, bộ linh trưởng, bộ gặm nhấm, bộ móng guốc… Được học trong không gian mở, không khí mát lành, rợp bóng cây xanh và trải nghiệm thực tế sinh động với nhiều loài thú đã tạo hứng thú, sự say mê khám phá ở học sinh. Không chỉ trả lời những câu hỏi được soạn sẵn trên giấy, nhiều học sinh còn ghi chép kỹ càng và chụp hình làm tư liệu. Em Trọng Hiếu, học sinh lớp 7/7, cho biết: “Được học từ thực tế và nghe cô hướng dẫn viên giảng giải kỹ lưỡng về từng loại động vật, chúng em hiểu bài sâu hơn”. Theo cô Lê Thị Lài, tổ trưởng tổ Lý, Hóa, Sinh của Trường THCS Nguyễn Du, tiết học ngoài nhà trường mang lại sự thích thú cho tất cả học sinh bởi nó sinh động, thoát khỏi sự gò bó ở lý thuyết. Sau khi tìm hiểu những hình ảnh trực quan, đa dạng về các loài thú, các nhóm sẽ thu thập tư liệu, vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, làm bài thu hoạch theo nhóm và kết quả được tính vào điểm số 15 phút.
Học sinh thích thú với giờ học ngoại khóa
Đây là tiết học đầu tiên, khởi động chương trình tiết học ngoài nhà trường tại Thảo Cầm viên Sài Gòn giai đoạn 2016-2020, do Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM phối hợp với Thảo Cầm viên Sài Gòn thực hiện thí điểm từ năm học này. Với mục đích tăng cường kỹ năng thực hành, thực nghiệm, đồng thời nâng cao ý thức bảo tồn sự đa dạng sinh học cho học sinh, Hội đồng bộ môn Sinh của TP (Sở GD-ĐT) và Trung tâm Giáo dục vườn thú (Thảo Cầm viên Sài Gòn) đã thiết kế chương trình học một cách bài bản, khoa học, thống nhất cho học sinh bậc THCS, THPT trên toàn TP. Cụ thể, trong năm học này sẽ có 18 chủ đề ở môn Sinh học từ lớp 6 đến lớp 12 được thực hiện thí điểm ở các trường và tiếp tục trong những năm học sau. Học sinh lớp 6 sẽ được học về rễ, nền móng của thực vật, thân cây, lá cây, đa dạng thực vật, sinh sản thực vật… Còn học sinh lớp 10 học về thế giới sinh vật đa dạng phong phú, đơn vị tổ chức cơ bản của sự sống – tế bào… Các chủ đề này đã được Sở GD-ĐT thẩm định trên cơ sở khoa học chuyên môn.
Tiết học ngoài nhà trường không chỉ mang ý nghĩa đổi mới phương pháp dạy học mà còn đổi mới cách kiểm tra, đánh giá. Cùng với việc bám sát nội dung, chương trình học của các khối lớp, nó còn mở mang, tăng thêm lượng kiến thức, trau dồi kỹ năng thực hành, trải nghiệm cho học sinh. Tuy nhiên, với hình thức xã hội hóa giáo dục, chương trình thí điểm này chưa thể mở rộng đến nhiều trường nghèo và nhiều học sinh ở các huyện ngoại thành, vùng ven.
KHÁNH HÀ