Ông bà nghèo nuôi anh em song sinh thành thủ khoa đại học

Ông bà nghèo nuôi anh em song sinh thành thủ khoa đại học

Cha mất sớm, mẹ bươn chải làm ăn xa, anh em Nguyễn Ngọc Hòa, Nguyễn Phương Nam (Phú Xuyên, Hà Nội) lớn lên nhờ tình thương yêu của ông bà nội.

Căn nhà của hai thủ khoa nằm nép mình trong ngõ nhỏ, tường rêu phong cũ kỹ ở thôn Lưu Đông, xã Phú Túc. Hơn 30 năm qua, chỗ ở vỏn vẹn 20 m2 này chẳng thay đổi gì ngoài đôi cánh cửa sổ thay năm 2008 vì quá mục nát. Bao nhiêu của cải, tâm sức, ông Nguyễn Ngọc Giao và bà Tạ Thị Tân dồn hết vào nuôi các cháu ăn học.

IMG-1360-7252-1406952505.jpg
Chơi cờ lúc rảnh rỗi dưới bóng cây là sở thích của anh em thủ khoa. Ảnh: Hoàng Phương.

Cặp song sinh Nguyễn Ngọc Hòa trở thành thủ khoa Đại học Kiến trúc Hà Nội với 26 điểm (Toán: 8,75; Lý 8; Hóa: 9) và Nguyễn Phương Nam đạt 27,5 điểm (Toán: 9; Lý: 9; Hóa: 9,5) đạt thủ khoa Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Ông Giao cho kể, hai anh em biết được điểm thi là do bạn học cùng lớp báo chứ nhà cũng không có máy tính để xem. Biết các cháu học khá nhưng ông chỉ mong Hòa và Nam đỗ đại học, không ngờ hai anh em lại giành ngôi vị thủ khoa.

Từ nhỏ, Hòa và Nam đã phải cùng cha mẹ bươn bả khắp nơi, từ Hà Nội vào Sài Gòn, rồi ngược lên Đăk Lăk. Ba tuổi, hai anh em được gửi về cho ông bà nội chăm cùng với chị gái Nguyễn Thị Hương Dung. Nay chị cả đã là sinh viên năm cuối Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Vợ chồng con trai phải đi làm ăn xa, bao nhiêu yêu thương ông bà dành hết cho các cháu nội. Vợ chồng ông Giao đều là giáo viên dạy Toán cấp 2 nên dạy dỗ cháu rất cẩn thận. Đều đặn mỗi buổi sáng, ông Giao lên lớp, đưa cô chị cả đến trường. Hai cậu em được bà nội đèo đi sau, ríu rít như đôi chim non trên chiếc xe đạp cũ kỹ ông bà có được từ năm 1980.

Lên cấp 2, anh em Hòa và Nam bắt đầu tự đạp xe đến lớp. Nhà có hai chiếc xe cọc cạch, khi Nam đạp thì Hòa ngồi sau dắt chiếc xe kia. “Để nhỡ xe của một trong hai bị hỏng thì anh đạp, em dắt và vẫn chở nhau về được”, Hòa lý giải. Cứ thế, cặp xe cọc cạch của ông bà nâng bước hai anh em đến trường. Khi hai anh em vào học THPT Đồng Quan, ông Giao sắm cho mỗi cháu một chiếc xe đạp cũ. Quãng đường từ nhà đến trường chỉ 7 km nhưng đường đầy ổ gà, ổ trâu nên xe cứ thủng săm, hỏng lốp liên miên. Nhiều lần xe hỏng dọc đường, tối mịt hai anh em mới về được đến nhà.

IMG-1377-5948-1406952506.jpg
Từ khi anh em Hòa, Nam còn nhỏ, ông nội viết các công thức Toán lên cánh cửa để các cháu ngồi đâu cũng có thể nhìn thấy. Ảnh: Hoàng Phương.

Không có bàn học cố định, hai anh em ngồi học di động khắp nơi. Chỗ ngồi yêu thích nhất của cả hai là dưới bóng cây ngọc hoàn râm mát. “Cây này do ông nội trồng, lớn dần lên cùng tuổi thơ chúng em. Mỗi trưa hè hoặc đêm trăng thanh gió mát, chúng em đều ngồi ôn bài, đọc sách, chơi cờ dưới bóng cây. Trên bức tường, ông nội còn viết “Thua thầy một vạn không bằng kém bạn nửa ly” để khích lệ hai cháu cố gắng học”, hai anh em kể.

Ông Giao viết các công thức toán học lên cánh cửa để ngồi đâu cũng thấy. Ông tự mình đóng giá sách cho các cháu từ những thanh gỗ thừa. Khung cửa sổ cạnh giường nằm của hai thủ khoa cũng được tận dụng để xếp đầy những quyển sách đã bạc màu, chủ yếu là sách về nhân tài đất Việt như Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát… mà mỗi khi rảnh, anh em lại được ông bà khuyến khích đọc.

Nam học Toán nhỉnh hơn Hòa một chút. Nhiều khi ngồi giải bài tập, anh em thường tranh luận khiến ông nội lại phải làm trọng tài. Suốt 12 năm học, Hòa và Nam thay nhau giữ thành tích nhất nhì lớp. Những tấm giấy khen, giấy chứng nhận thành tích của hai anh em nổi bật trên bức tường vôi cũ kỹ. Ngoài lịch học, cả hai còn sinh hoạt rất điều độ. Nam cho biết, buổi sáng không bao giờ được ngủ nướng mà phải dậy tập thể dục, ăn sáng rồi mới đến trường. Tối không học khuya quá, phải đi ngủ trước 12h đêm.

Từ khi nghỉ hưu ở nhà chăm cháu, vợ chồng ông Giao thường đan giỏ tôm mang đi bán để kiếm thêm thu nhập. Mấy năm nay sức yếu nên ông bà nghỉ hẳn. Tiền cho các cháu đi học chủ yếu dựa vào số lương hưu và tiền con dâu đi làm xa gửi về cùng các con gái phụ giúp một ít. “Anh em nó đi học thêm, các thầy cô giáo ở trường cũng không lấy tiền”, ông Giao cho hay. Trong xóm, hai đứa trẻ nổi tiếng ngoan ngoãn, được xóm giềng thương yêu.

IMG-1379-1717-1406952506.jpg
Anh em thủ khoa và người chị gái lớn lên nhờ bàn tay chăm bẵm của ông bà. Ảnh:Hoàng Phương.

Nam thừa hưởng niềm đam mê từ ông nội, yêu thích Toán từ bé nên chọn thi khoa Toán của Đại học Khoa học Tự nhiên. Cậu muốn có thời gian nghiên cứu sâu và ước mơ sau này giảng dạy Toán học. Hòa trầm tính, vốn thích vẽ vời từ bé nên chọn thi Kiến trúc. Ban đầu, cả hai đều dự định thi vào trường quân đội nhưng vì bị cận nặng nên thôi. Cặp song sinh chọn thi thêm khối B, hệ dân sự của Học viện Quân y và đạt điểm khá cao.

“Em có hai ước mơ cùng song hành. Nếu đi học Kiến trúc thì sẽ trở thành một kiến trúc sư thật giỏi, thiết kế cho ông bà một ngôi nhà nhỏ thôi nhưng đẹp hơn nhà bây giờ. Nếu đậu cả hai trường thì em chọn học ngành y vì gia đình nên có một bác sĩ”, Hòa rụt rè nói.

Sâu thẳm trong chàng trai 18 tuổi là mong ước được chăm lo sức khỏe cho cả nhà. Bố em mất vì ung thư lúc hai anh em học lớp 9. Mẹ em từ đó mà càng phải bươn chải, lao lực để kiếm tiền nuôi con.

Chị Trần Thị Cốm, mẹ của hai thủ khoa, tâm sự cũng muốn gần gũi, chăm sóc, dõi theo từng bước con lớn lên, nhưng vì mưu sinh nên đành phải xa cách. Kỳ thi đại học, chị tranh thủ về xong lại đi ngay. Biết tin hai con đậu thủ khoa đại học, lòng người mẹ nửa mừng nửa lo. Mừng vì hai anh em không phụ công giáo dưỡng của ông bà, không phụ kỳ vọng của mẹ cha. Lo vì sắp tới đi học, gánh trên vai sẽ còn đè nặng hơn.

“Đạt thủ khoa chỉ là bước đầu, còn phải lo học, ra trường lo kiếm việc làm. Chị gái Hương Dung sẽ phải làm thay cả phần mẹ, chăm sóc cho các em khi học xa nhà. Mỗi người trong gia đình cố gắng một chút rồi sẽ khổ tận cam lai”, ông nội của hai thủ khoa ngồi nhẩm tính.

Hoàng Phương