Khi còn nhỏ, trẻ em phụ thuộc rất nhiều vào người lớn nên lúc các em làm gì sai thì rất sợ sẽ bị cha mẹ, ông bà mắng, phạt. Để giúp bản thân tránh được những điều này, các bé có thể tìm cách nói dối nhằm che giấu vấn đề. Tuy nhiên, trước tư duy non nớt và ngây thơ của trẻ, thường người lớn sẽ tinh ý phát hiện được ngay. Và câu hỏi đặt ra là, khi con trẻ nói dối thì cha mẹ nên xử lý như thế nào cho hiệu quả nhất. Kính mời quý phụ huynh tìm hiểu một vài phương pháp qua bài viết dưới đây được Trung Tâm Gia Sư Trí Tuệ Việt chúng tôi tổng hợp.
Contents
I. Tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến hành vi nói dối của trẻ
1. Trẻ muốn che giấu các lỗi sai
Là trẻ con thì rất dễ mắc phải lỗi này lỗi kia. Khi đi học thì con có thể soạn thiếu đồ dùng, chưa làm đủ bài tập, bị điểm kém, nói chuyện riêng trong giờ học,…; ở nhà thì cái lỗi lầm có thể kể đến như đánh rơi vỡ đồ đạc, quên chưa làm công việc nhà được giao,… Dù là gì đi nữa, cha mẹ Việt cũng thường hay có cách “trị” con để con không lặp lại lỗi đó bằng roi vọt hoặc quát mắng khá nặng. Trẻ con còn non nớt và yếu đuối chắc chắn ít nhiều cảm thấy sợ hãi và không muốn mình bị phạt như vậy một chút nào. Vì thế để cha mẹ không biết về lỗi sai của mình, bé sẽ nghĩ ra các cách nói khác đi sự thật.
2. Trẻ muốn giữ bí mật của mình
Dù là trẻ con thì cũng không có gì lạ khi các bé có những bí mật của riêng mình. Việc giữ bí mật thực ra là để bảo vệ cho người nằm trong bí mật đó. Ví dụ vì con quý mến một bạn nên hay nghe bạn kể chuyện về cuộc sống của bạn ấy, cha mẹ tò mò muốn biết nhưng vì con hứa sẽ giữ bí mật nên bé có thể tự nghĩ ra cách khác đi để nói cho cha mẹ. Hoặc con có những điều hơi xấu hổ về bản thân mà vẫn chưa sẵn sàng để cho người khác biết thì trẻ sẽ phải nói dối để tự bảo vệ chính mình.
3. Trẻ bắt chước theo bên ngoài
Trẻ em như một miếng bọt biển còn mới và luôn dễ dàng thấm hút mọi thứ xung quanh cuộc sống của chúng. Người ta không khó gì để bắt gặp các trường hợp nói dối xung quanh mình. Thật ra ngay chính cha mẹ hay ông bà cũng hay nói dối trẻ, điển hình như nếu con không ăn cơm ông ba bị sẽ đến bắt con đi đấy, hay mẹ không đẻ ra con mà nhặt con ở cổng nhà,… Người lớn thì nghĩ đấy là những câu đùa thoáng qua, nhưng dần dần bọn trẻ lớn lên hiểu rằng người lớn được nói dối để mình nghe theo ý họ, thì mình cũng có thể nói dối để thuyết phục người lớn tin mình.
Bên cạnh đó, khi trẻ đến lớp, chúng cũng sẽ tiếp xúc với nhiều người bạn. Chúng có thể gián tiếp nhìn thấy bạn nói dối và đạt được kết quả, hoặc trực tiếp được các bạn chỉ cho cách “bịa chuyện” để tránh những rắc rối, kết quả là trẻ sẽ nhanh chóng hào hứng được thử ngay, có khi nếu nói dối thành công thì sau này còn biến thành thói quen và phản xạ. Bên cạnh đó, ở thời đại bùng nổ công nghệ như hiện nay, trẻ được tiếp xúc với quá nhiều các chương trình tivi, phim ảnh, các trò chơi,… và dễ học theo nhân vật trong đó nếu có tình huống nói dối xảy ra.
4. Trẻ không biết nói dối là xấu
Đa số các đứa trẻ không hiểu sâu xa là nói dối thành quen sẽ trở thành một thói rất tệ, có thể ảnh hưởng đến nhân cách của chính mình cũng như gây hại đến cho người xung quanh. Chúng chỉ đơn thuần nghĩ nói dối một chút chẳng hại đến ai, tự nhiên mình đạt được nhiều thứ mình mong muốn hơn, chẳng phải thật tốt hay sao. Vì vậy mà từ việc nói dối, chúng có thể vô thức phát triển các thói quen xấu tương tự như lấy cắp đồ hoặc tìm cách bí mật che giấu những hành vi không trung thực của mình, thành ra lại rất nguy hiểm.
II. Hướng dẫn cha mẹ cách xử lý khi phát hiện con mình nói dối
1. Nói chuyện với con thật bình tĩnh
Chắc chắn khi cha mẹ nghe trẻ kể một câu chuyện không có thật hoặc nói sai sự thật vốn có thì bạn sẽ rất tức giận. Nhưng hãy tự nhắc nhở bản thân phải bình tĩnh bởi nóng giận chỉ khiến cho trẻ sợ hãi thêm mà không thể giải quyết được vấn đề. Tệ hơn với trường hợp con bạn bướng bỉnh và có tính phản kháng cao thì bé sẽ càng ra sức nói dối cho tốt hơn. Một lí do nữa mà cha mẹ nên kiềm chế việc la mắng và đánh đập trẻ là vì điều đó sẽ tạo nên một hình ảnh xấu về cách cư xử của cha mẹ, có thể tạo dấu ấn không tốt tới suy nghĩ của con trẻ.
2. Nên tìm ra lý do vì sao trẻ nói dối
Cha mẹ nên đứng ở góc độ khác để nhìn nhận vấn đề vì sao con lại nói dối. Bởi khi con trẻ nói dối đồng nghĩa với việc bé đã bắt đầu biết suy nghĩ và nhìn nhận sự việc xảy ra theo một cách riêng của mình. Cha mẹ cần ngồi tâm sự và chia sẻ với con về vấn đề một cách rõ ràng bởi nó sẽ phản ánh nhận thức non nớt của trẻ, giúp cha mẹ hiểu con mình hơn và nắm được những điều xảy ra trong cuộc sống của con. Sau đó, cha mẹ cần giảng giải cho trẻ hiểu nói dối là thói quen xấu để trẻ nhìn nhận về vấn đề này một cách đúng đắn hơn và không nói dối nữa.
3. Có hình phạt phù hợp khi trẻ nói dối
Khi phát hiện trẻ nói dối, cha mẹ không nên bỏ qua dù cho đó là lần đầu tiên trẻ mắc lỗi. Cha mẹ cần có hình phạt nhẹ nhàng để trẻ có thể nhận thức được rằng sau này sẽ không được phép mắc lại lỗi này lần nữa. Vài hình phạt tuy nhỏ nhưng lại khá có võ cha mẹ có thể tham khảo, đó là yêu cầu con cách chép phạt nhiều lần câu: “Con hứa từ nay sẽ không bao giờ nói dối nữa.”, hoặc phạt trẻ đứng úp mặt vào tường tự kiểm điểm để giúp trẻ khắc sâu vào suy nghĩ những tác hại sẽ phải chịu khi nói dối.
4. Không nên nhắc lại lỗi nói dối của trẻ
Sau khi chuyện đã xảy ra, cha mẹ nên vờ như quên đi lỗi nói dối của trẻ và không nên nhắc lại nữa. Việc làm đó của cha mẹ sẽ khiến trẻ biết rằng cha mẹ vẫn yêu thương trẻ như bình thường, không vì chuyện đã xảy ra mà chỉ trích trẻ. Đặc biệt là điều đó sẽ khiến cho trẻ nhận thấy cha mẹ tin tưởng ở trẻ và trẻ sẽ không mắc lỗi đó thêm lần nữa. Việc thấy mình được tôn trọng chính là động lực để trẻ thành thật hơn với cha mẹ, và lần sau dù có gặp trường hợp tương tự trẻ cũng sẽ tránh nói dối mà thay vào đó là cho cha mẹ biết sự thật.
5. Cần là tấm gương cho con mình học tập
Suy nghĩ của con trẻ ở giai đoạn học tiểu học đang bắt đầu được hình thành và định hướng. Suy nghĩ đó chịu sự ảnh hưởng và tác động của rất nhiều yếu tố chủ quan, khách quan và cha mẹ chính là tấm gương để trẻ nhìn vào và học theo. Chính vì vậy mà cha mẹ cũng không được nói dối trước mặt trẻ, nếu vì lý do bất khả kháng nào đó mà phải nói dối thì không nên nói ở trước mặt trẻ vì con sẽ mau chóng bắt chước theo. Chúng lấy mọi cách hành xử và phản ứng của người lớn làm chuẩn mực, nên muốn con trung thực thì cha mẹ tuyệt đối không nói dối.
6. Cha mẹ luôn dạy con trẻ phải thành thật
Trẻ con như tờ giấy trắng, vì vậy mà cha mẹ hãy giúp trẻ vẽ nên những câu chuyện về sự thành thật thông qua những quyển sách về các tấm gương người tốt, những bộ phim đề cao tính trung thực và hình phạt đối với người nói dối. Ở mỗi trường hợp như vậy, cha mẹ cần kiên nhẫn phân tích, giảng giải cho trẻ hiểu được ý nghĩa của sự thành thật trong từng lời nói và hành động để có thể được mọi người yêu quý, chứ đừng nên để người khác xa lánh, mất lòng tin và có cái nhìn thiếu thiện cảm với mình vì mình đã lừa dối họ.
Kết luận: Các bậc cha mẹ nên dành nhiều thời gian quan tâm giáo dục nhận thức và điều chỉnh hành vi của con trẻ ngay từ ngày đầu tiên đến trường bởi đây là giai đoạn quan trọng trong việc định hình suy nghĩ và tính cách của con, nhất là trong môi trường xã hội đang có quá nhiều sự phức tạp như hiện nay. Hy vọng rằng những chia sẻ về cách xử lý tình huống trẻ nói dối của Gia Sư Tại Nhà Trí Tuệ Việt sẽ giúp cho các bậc cha mẹ có thêm tài liệu tham khảo về cách giáo dục con. Chúc anh chị có nhiều sức khoẻ và nuôi dạy trẻ thật thành công!
Gia sư Trí Tuệ Việt chúc các bạn thành công !
TRUNG TÂM GIA SƯ TRÍ TUỆ VIỆT
Nhận Giới Thiệu Gia Sư Dạy Kèm Tại Nhà Tất Cả Các Quận, Huyện ở TPHCM.
Điện Thoại : 0983 630 461 – 0932 622 625
Email: [email protected]
Website: www.giasuttv.net
Fanpage: Gia Sư Trí Tuệ Việt
Xem thêm: Học phí gia sư dạy kèm tại nhà TPHCM