Lạm dụng máy tính bảng học sinh dễ bị mù chữ viết

Lạm dụng máy tính bảng, học sinh dễ bị mù chữ viết

Sau khi có đề xuất tự thành phố sẽ in sách giáo khoa riêng cho học sinh của Sở GD-ĐT TPHCM chưa được Bộ GD-ĐT chấp thuận thì Sở GD-ĐT TP.HCM lại tiếp tục đưa ra đề án: “Tất cả các học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP.HCM sẽ sử dụng máy tính bảng để phục vụ cho việc học.
Không đồng tình với đề án này, chị Nguyễn Thị Thu Hà đang có con học trường mầm non Hàm Tử (Quận 5, TP.HCM) cho biết: Hiện tại con chị đã được 5 tuổi và nếu đề án được thông qua thì nghiễm nhiên con chị sang năm sẽ là học sinh đầu tiên sử dụng máy tính bảng cho việc học. 
“Hiện nay, con tôi đang bắt đầu học viết, theo dõi ở nhà thì thấy con mình đã khá lười viết và ham chơi điện tử trên các máy tính và điện thoại của bố mẹ. Nếu các năm học lớp 1,2,3 con tôi học trên máy tính bảng như đề án thì chắc con tôi… sẽ “mù chữ viết” nếu lên lớp 4 học tiếp các chương trình của sách giáo khoa”.
Việc sử dụng máy tính bảng cho học sinh tiểu học sẽ kéo theo hệ lụy học sinh không biết viết khi lên học lớp 4 vì sẽ bị lạm dụng vào các thiết bị công nghệ
Chị Hà cũng cho rằng, hiện tại các sách giáo khoa đang còn chưa “chuẩn” đã dẫn đến việc hiểu sai lệch cũng như ỷ lại của các thế hệ mầm non, huống gì nếu để các con học trên máy tính bảng, chúng sẽ lợi dụng điều đó để chơi điện tử hoặc làm những việc mà cha mẹ không thể kiểm soát hết được.
Cùng chung quan điểm với chị Hà, cô giáo Mai Ánh Hoa, Trường tiểu học Phạm Hồng Thái (quận 5) cũng cho rằng: Hiện tại chị có hai con đang học bậc tiểu học, riêng việc đóng học phí, đồ dùng học tập, bảo hiểm cho các con cũng như đồng phục học sinh cho các con mỗi năm học mới cũng khiến gia đình chị vô cùng khó khăn. Nay lại được tin các bé lớp 1,2,3 có thể sẽ phải học với máy tính bảng với giá 4 đến 5 triệu đồng/1 máy gia đình chị hết sức lo lắng và cảm thấy không hài lòng.
Chị cũng cho rằng, là giáo viên, chị luôn chú tâm cho con học văn hóa, giao tiếp của các con với bạn bè xung quanh. Nếu giờ các con chỉ chú tâm vào máy tính bảng, điều đầu tiên chị lo đấy là sự ỷ lại vào công nghệ của các con quá rõ nét, thứ hai chính là sức khỏe của các cháu vì mắt các cháu vẫn còn yếu, nếu tập trung nhìn vào ánh sáng trên máy tính bảng nhiều sẽ dễ bị hỏng mắt. Bên cạnh đấy, chị cũng cho rằng, việc trang bị các thiết bị cho các thầy cô giáo ở trong trường cũng tốn kém một khoản không nhỏ, điều này không thể bắt ép phụ huynh đóng góp được.
Thậm chí, cô Ánh Hoa còn cho biết, có những gia đình khó khăn chắc dễ cho con nghỉ học vì đầu tư quá lớn trong việc học tiểu học của các con, huống gì lứa tuổi của các con hiện tại vẫn là đang ăn và chơi, học hỏi từ cuộc sống xung quanh là chủ yếu.
Việc để trẻ em quá lạm dụng máy tính sẽ gây ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe của các em
Chia sẻ với Báo điện tử Một Thế Giới trong cuộc nói chuyện gần đây, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban VHGD-TN-TN&NĐ của Quốc hội cũng cho rằng: Việc đổi mới sách giáo khoa từ tiểu học cho tới phổ thông hay bất kỳ cấp nào cũng đều có thời gian và lộ trình nhất định. Việc đề xuất đưa ngay máy tính bảng vào để sử dụng cho việc học cho cấp tiểu học phải qua một lộ trình xây dựng riêng những bài giảng cụ thể thông qua máy tính bảng, luyện cho các giáo viên sử dụng, học sinh thông thạo.
Không thể đưa nguyên bài giảng trong SGK vào máy tính bảng để giảng dạy cho các lớp tiểu học. Khi thiết kế một chương trình thay thế SGK tất nhiên tỉnh thành đó phải đáp ứng được cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực để phát triển dự án hay chưa? Còn gặp khó khăn gì? Đề án mới đưa ra đã gặp sự phản ứng dư luận thì nên cẩn trọng xem xét, tránh các hệ lụy về sau.
Cũng trong luồng suy nghĩ phản đối về việc áp dụng cho học sinh tiểu học sử dụng máy tính bảng, nhà văn Nguyễn Quang Vinh cũng cho biết: Sở GD-ĐT TP.HCM nên ghi nhận những ý kiến từ các chuyên gia và các phụ huynh, giáo viên là những người tiếp xúc trực tiếp với các học sinh cũng như là người có con cái chịu ảnh hưởng nặng nhất. Những ý kiến của họ rất cần thiết để xây dựng một môi trường giáo dục chuyên nghiệp, chứ đừng coi ý kiến của họ hôm nay như “Lời của gió” thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thế hệ mầm non tương lai của đất nước ngày mai.
Minh Khuê