“Nhà thờ Đức Bà, một trong những công trình kiến trúc độc đáo của Sài Gòn, điểm đến của du khách trong và ngoài nước, nét đặc trưng của du lịch Việt Nam…”. Thời Thắng (học sinh lớp 8A1) đã đọc bài rap này khi giới thiệu với bạn bè và các du khách về nhà thờ Đức Bà.
Những thông tin về nhà thờ được cả nhóm Spooky Travel lên mạng tìm hiểu, Thắng biên tập lại cho phù hợp với nhịp điệu bài rap để hấp dẫn với người nghe.
Thời Thắng đọc bài rap giới thiệu về nhà thờ Đức Bà. Ảnh: Mạnh Tùng |
Trong lúc này, một số bạn khác của Spooky Travel dùng điện thoại quay phim, một số khác chụp hình tháp chuông nhà thờ, tượng Đức Mẹ và cắm cúi ghi chép.
Khánh An, thành viên giỏi tiếng Anh nhất nhóm, bắt chuyện phỏng vấn một du khách Canada về cảm xúc của ông khi đến Việt Nam và những ấn tượng với nhà thờ Đức Bà.
Sau đó, trưởng nhóm tập hợp các thành viên, thảo luận ít phút trước khi tất cả bước vào tòa nhà Bưu điện TP HCM sát bên cạnh nhà thờ. Nghiêm túc và trật tự, Spooky Travel lại chụp ảnh, phỏng vấn du khách, ghi chép tại sảnh chính của bưu điện. Tại đây, nhóm trò chuyện với cụ Dương Văn Ngộ – người viết thư thuê cuối cùng ở đất Sài Gòn – để tìm hiểu về công việc của ông.
Thời Thắng cho biết đã cùng các bạn mất hai tuần để chuẩn bị cho buổi thực tế này, từ khâu lên ý tưởng đến các câu hỏi và trang phục sao cho độc đáo, khác biệt. “Các bạn trong nhóm làm việc rất tích cực, tranh luận sôi nổi để đưa ra cách làm tốt nhất. Những buổi học như vậy khiến tụi em gắn kết, say mê mà không cảm thấy nhàm chán”, nam sinh chia sẻ.
Học sinh phỏng vấn du khách nước ngoài, chuẩn bị tư liệu cho bài thuyết trình. Ảnh: Mạnh Tùng |
Khi nhóm bạn của Thắng đang ở Bưu điện TP HCM thì một nhóm khác của lớp 8A1 tham quan đường sách Nguyễn Văn Bình. Nhóm này dừng lại ở một gian hàng sách văn học, tìm những cuốn sách thân quen với những tác phẩm đã được học trong trường.
“Em đến đường sách nhiều lần nhưng lần này đi cùng các bạn em được hiểu sâu hơn và có thêm nhiều kiến thức thú vị về nơi này”, một nữ sinh cho biết.
Sau gần một giờ đi thực tế, ba nhóm của lớp 8A1 tập trung thành vòng tròn trước Bưu điện TP HCM chơi trò đố vui kiến thức. Mỗi nhóm sẽ cử một thành viên đặt câu hỏi thách đố với nhóm bạn, nội dung xoay quanh ba địa điểm mà các em vừa đi qua.
“Bưu điện TP HCM có tên gọi đầu tiên là gì?”, Tài Hiếu, đại diện nhóm một hỏi.
“Bưu điện Trung tâm Sài Gòn”, nhóm “đối thủ” trả lời.
“Bạn sai rồi. Tên gọi đầu tiên là Sở dây thép Sài Gòn”, Hiếu đáp và giải thích thêm: “Sau khi chiếm được vùng đất Sài Gòn, người Pháp đã thiết lập hệ thống thông tin liên lạc và thành lập Sở dây thép”.
Hiếu đặt tiếp câu hỏi: “Nhà thờ Đức Bà có giá trị về du lịch hay không, tại sao?”. Một bạn nhóm khác là Minh Anh trả lời lập tức: “Có, vì đây là công trình cổ kính, kiến trúc độc đáo, đặc sắc và thu hút rất nhiều du khách nước ngoài tham quan”.
Học sinh lớp 8A1 trường THCS Trần Văn Ơn học văn trước Bưu điện TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng |
Cô Nguyễn Thúy (giáo viên Văn trường THCS Trần Văn Ơn) cho biết, văn thuyết minh là một phần trong chương trình Ngữ văn lớp 8, gồm 3 tiết. Kết thúc chuyến đi này, mỗi nhóm sẽ làm việc để hoàn thành các bài thuyết trình bằng power point có thông tin, hình ảnh, video, phỏng vấn… mà các em thu thập được.
“Thay vì học trên lớp với các tiết luyện viết và luyện nói khô khan thì với việc đi thực tế các em hào hứng hơn rất nhiều. Không những đánh giá các em qua kết quả thu được mà chúng tôi còn rèn cho các em kỹ năng làm việc nhóm, tinh thần đoàn kết, khả năng sáng tạo”, cô Thúy chia sẻ.
Giáo viên sẽ căn cứ vào đánh giá của nhóm trưởng với thái độ làm việc của từng thành viên cũng như quan sát của riêng mình để chấm điểm từng em, dựa vào điểm chung của nhóm.
Bà Trần Thúy An – Hiệu trưởng THCS Trần Văn Ơn – cho biết ở một số môn học khác, trường cũng cho học sinh đi thực tế như Thảo cầm viên Sài Gòn (với môn Sinh) hay Bảo tàng Mỹ thuật (với môn Mỹ thuật).
“Nhờ những tiết học này mà trường phát hiện ra những khả năng tiềm ẩn của học sinh như tự tin giao tiếp với người nước ngoài, bản lĩnh khi thuyết trình. Với mỗi tiết đi thực tế, các em được học hỏi cùng lúc nhiều kiến thức về văn học, lịch sử, địa lý, nghệ thuật…”, bà An chia sẻ.
Mạnh Tùng