Giải “bài toán khó” từ thực tế

Cô Phan Thị Hồng Nhung (Trường THPT Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An), người tham gia chương trình với đề tài “Khai thác và sử dụng nguồn tài liệu nước ngoài trong biên soạn chương trình lịch sử Việt Nam ở bậc THPT”, trong giờ lên lớp - Ảnh: DOÃN HÒA
Cô Phan Thị Hồng Nhung (Trường THPT Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An), người tham gia chương trình với đề tài “Khai thác và sử dụng nguồn tài liệu nước ngoài trong biên soạn chương trình lịch sử Việt Nam ở bậc THPT”, trong giờ lên lớp – Ảnh: DOÃN HÒA
Tôi ấp ủ đề tài “Sự cần thiết của việc giáo dục giới tính ở trường học” đã lâu nên khi có thông tin về chương trình, tôi đã dành cả ba tháng hè để nghiên cứu và hoàn thiện ý tưởng của mình, hi vọng sẽ góp phần giải quyết câu chuyện mang tính thời đại này”
Cô Lê Thị Bé Nhung (giáo viên Trường THPT Phan Ngọc Tòng, Bến Tre)

Theo tổng kết của ban tổ chức, đề tài được các trí thức trẻ quan tâm nhiều nhất trong các bài dự thi là tìm kiếm giải pháp cho các thực trạng thiếu dụng cụ thí nghiệm trong trường học bằng các sáng chế. Các sáng kiến này có thể phục vụ cho việc giảng dạy các môn học tự nhiên một cách hiệu quả hơn.

Nhiều ý tưởng mới

Có thể kể ra vài ví dụ như bộ thí nghiệm vật lý đa năng, chế tạo bộ phận kết nối kính hiển vi quang học với máy tính, bộ tiêu bản phục vụ giảng dạy sinh học, sử dụng thí nghiệm tự tạo trong dạy học sóng ánh sáng, dạy học bằng công nghệ 3D…

Các trí thức trẻ cũng cho rằng thực trạng “học chay” sẽ giảm nếu như các giáo viên ứng dụng các dụng cụ thí nghiệm tự tạo ra từ vật liệu rẻ.

“Thương các em học trò nông thôn cả năm không được nhìn thấy bộ thí nghiệm vật lý, hóa học là gì, chỉ lên lớp thầy cô đọc sao chép vậy nên hai vợ chồng tôi mới dồn hết thời gian và tâm trí, cặm cụi tạo ra những bộ thí nghiệm đơn giản nhất cho các em thực hành – thầy Thái Ngọc Ánh (giáo viên dạy lý tại Trường THPT Vĩnh Định, huyện Triệu Phong, Quảng Trị), tác giả của công trình “Nghiên cứu sử dụng thí nghiệm tự tạo trong dạy học sóng ánh sáng”, chia sẻ – Tôi tham gia cuộc thi đơn giản chỉ là muốn sáng kiến của mình được nhiều người biết. Càng nhiều người biết thì sẽ càng có nhiều người áp dụng. Khi đó người “được” chính là học sinh”.

Từ mong muốn nâng chất dạy và học

Ngoài các bài dự thi tâm huyết của giáo viên các cấp, chương trình còn nhận được sự quan tâm của nhiều học sinh và các nhà quản lý giáo dục, một số tác phẩm có giá trị của những tác giả đang công tác ngoài ngành giáo dục cũng được gửi đến chương trình.

Trong đó, các học sinh – đối tượng thụ hưởng nền giáo dục hiện tại – cũng đóng góp nhiều ý tưởng, ý kiến hay để góp phần nâng cao hiệu quả học tập. “Với “Phần mềm hỗ trợ học tập Program”, em mong muốn các bạn học sinh cấp II, cấp III sẽ có một sân chơi rèn luyện trí tuệ và khơi dậy niềm đam mê học tập” – Nguyễn Công Minh (học sinh lớp 9 Trường THCS Lộc Sơn, Bảo Lộc, Lâm Đồng), tác giả của công trình “Phần mềm hỗ trợ học tập Program”, cho biết.

Các giáo viên tham gia chương trình cũng chia sẻ chương trình là một động lực lớn để họ nghiên cứu sâu và tìm giải pháp cho các vấn đề của giáo dục. “Khi biết đến chương trình, tôi đã miệt mài tìm kiếm tài liệu và thực hiện đề tài “Khai thác và sử dụng nguồn tài liệu nước ngoài trong biên soạn chương trình lịch sử Việt Nam ở bậc THPT”. Với đề tài này, tôi hi vọng ngành giáo dục sẽ có những cải cách, đổi mới phù hợp, hiệu quả hơn trong việc dạy và học môn sử” – cô Phan Thị Hồng Nhung (Trường THPT Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An) cho biết.

Ngoài ra, các trí thức trẻ còn hiến kế nhiều phương pháp dạy học hiệu quả như dạy văn bằng sơ đồ tư duy, dạy sử bằng thơ lục bát, dạy học với sự trợ giúp của phụ huynh, giải pháp nâng cao thể lực cho học sinh… Đồng thời, các vấn đề “nóng” của giáo dục hiện nay như bệnh thành tích trong giáo dục, bệnh học lệch, bất cập trong công tác giáo dục giới tính học đường… cũng được nhiều trí thức trẻ phân tích và nêu giải pháp khắc phục.

Mỗi công trình sẽ nhận giải thưởng trị giá 100 triệu đồng

Chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục (do Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ và Tập đoàn Thiên Long tổ chức) đã kết thúc thời gian nhận đề tài và có 42 đề tài đã vượt qua vòng sơ khảo.

Vào ngày 1-11, ban giám khảo vòng sơ khảo sẽ tiếp tục chọn 12 – 15 công trình, sáng kiến vào vòng chung khảo.

Ban giám khảo vòng chung khảo sẽ họp ngày 13-11 để lựa chọn tối đa 5 công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất thông qua phỏng vấn trực tiếp các tác giả có công trình, sáng kiến lọt vào vòng chung khảo.

Mỗi công trình sẽ nhận giải thưởng trị giá 100 triệu đồng.

Lễ tổng kết và trao giải sẽ diễn ra vào ngày 14-11 tại Hà Nội. Tại đây, các tác giả có đề tài xuất sắc nhất sẽ có cơ hội gặp gỡ lãnh đạo Bộ GD-ĐT để chia sẻ, đóng góp ý kiến cho ngành giáo dục.

 
P.NGUYÊN