26 giáo viên và 126 học sinh đại diện cho hơn 1,1 triệu giáo viên và trên 15 triệu học sinh phổ thông trong cả nước đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vinh danh trong lễ tuyên dương được tổ chức ngày 19-10 tại Hà Nội
Tận tâm, tận lực với học sinh
Cô Lê Thị Thơ An, giáo viên dạy vật lý đã gắn bó với Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An năm 2000. Từ đó đến nay, 38 lượt học sinh của trường đã đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia, khu vực và quốc tế. Nghiên cứu tài liệu, tìm tòi phương pháp mới để tạo sự hứng thú cho học sinh, ngoài truyền dạy kiến thức, cô An còn hướng dẫn học sinh cách tự học, tự đọc, tự nghiên cứu và truyền lửa đam mê cho các em. “Truyền lửa là điều quan trọng nhất. Có thể ban đầu các em chưa tìm được mục tiêu của mình, chưa đam mê vật lý nhưng sau một thời gian ngắn, tôi thấy các em thật sự đam mê, đó là điều tôi hạnh phúc nhất” – cô An tâm sự.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao bằng khen cho cô Nguyễn Thị Thu Anh Ảnh: KHÁNH NGUYỄN
Với cô Lê Thị Hiền Thảo – giáo viên Trường Mầm non Bạch Dương, quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) – thời gian lên lớp, chăm sóc học sinh nhiều hơn thời gian ở nhà với gia đình. Cả ngày vất vả chăm sóc trẻ, thời gian ít ỏi còn lại, cô Thảo tìm tòi, sáng tạo những sản phẩm đồ dùng dạy học. Những bộ sản phẩm như bảng học vui cùng bé, bộ đồ chơi lý thú… do cô sáng tạo đã giành nhiều giải thưởng của TP Đà Nẵng. Cô Thảo cũng nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp TP, cấp quốc gia. Với cô Hiền Thảo, mỗi ngày đến trường của trẻ phải là một ngày vui, nhìn những nụ cười của các em với cô thực sự là hạnh phúc.
Đổi mới là khát vọng vươn lên
Với nhiều thế hệ học trò Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Anh thật sự là một thần tượng, không chỉ bởi những bài giảng địa lý đầy say mê mà còn bởi sự nhiệt huyết của cô trong đổi mới giáo dục. Đi tiên phong trong việc xây dựng chương trình nhà trường, thay vì những bài học khuôn mẫu, học sinh Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành được trải nghiệm những tiết học hấp dẫn, tích hợp liên môn với sự khơi gợi đầy hứng thú của các giáo viên nhiều nhiệt tình và kinh nghiệm. “Sứ mệnh của trường chúng tôi là giáo dục và rèn luyện học sinh trở thành những công dân tương lai mạnh về thể chất, sáng về trí tuệ, giàu có về tâm hồn, có kỹ năng sống tốt, biết tự học, có tinh thần trách nhiệm và nỗ lực sáng tạo không ngừng” – cô Thu Anh chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định thầy giáo, cô giáo và các em học sinh có mặt trong lễ tuyên dương chính là những tấm gương tiêu biểu cho ý chí, nghị lực, khát vọng đổi mới, sáng tạo của hơn 1 triệu nhà giáo và hơn 20 triệu học sinh cả nước. Theo Bộ trưởng Nhạ, đổi mới, sáng tạo là nhu cầu tự thân, tự nguyện, là động lực, khát vọng vươn lên của mỗi tập thể, cá nhân; là việc làm thường xuyên, lâu dài, bắt đầu từ việc nhỏ, diễn ra hằng ngày để việc làm hôm nay đạt năng suất, hiệu quả hơn hôm qua; là hành động thiết thực nhất của mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh góp phần tạo chuyển biến căn bản chất lượng, hiệu quả giáo dục nước nhà. Ông cũng yêu cầu cơ quan quản lý giáo dục các cấp phải là nơi kiến tạo, hỗ trợ, phục vụ để các thầy cô giáo, học sinh – sinh viên có môi trường thuận lợi nhất phát huy tối đa khả năng, phẩm chất và năng lực cá nhân, tự nguyện tham gia thi đua đổi mới, sáng tạo.
Khơi dậy năng lực, tâm huyết
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh Bộ GD-ĐT phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy để nâng cao tinh thần tự học và khơi dậy tư duy sáng tạo của học sinh trong học tập và thực hành, kể cả khả năng ngoại ngữ. Đặc biệt chú trọng giáo dục đào tạo đạo đức, nhân cách cho học sinh. Có chính sách trọng dụng và khuyến khích những cán bộ quản lý, giáo viên có năng lực, tâm huyết, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Theo bà Thịnh, đó cũng chính là mấu chốt để khơi dậy tinh thần thi đua sáng tạo đổi mới trong dạy và học, tạo nên được môi trường sư phạm văn hóa, nhân văn và tiến bộ.