Để giúp học sinh làm quen với phương án thi THPT quốc gia 2017, các trường THPT đang gấp rút cho các em làm quen với đề thi và cách chọn môn thi.
Cho chọn môn kiểm tra cuối kỳ
Đến thời điểm này, hầu hết các trường, giáo viên đều đã cho học sinh làm bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết bằng hình thức trắc nghiệm nhằm giúp các em làm quen và đáp ứng phù hợp với phương thức đổi mới thi. Ông Đặng Đình Đại – Hiệu trưởng Trường THPT WellSpring, quận Long Biên, Hà Nội – cho hay nhà trường yêu cầu đối với các bài kiểm tra 1 tiết, giáo viên thực hiện theo dạng đề minh họa để học sinh làm quen với dung lượng kiến thức ở những bài học sinh đã học. Hiện nhà trường đã cho học sinh đăng ký lựa chọn nhóm môn để chủ động kế hoạch, mỗi tổ chuyên môn đều chuyển đổi ma trận đề sang dạng thích hợp với kỳ thi THPT quốc gia. Hiện giáo viên vẫn dựa theo đề minh họa để đưa ra những đề tương đương theo từng chương, từng bài, từng phần.
Học sinh THPT đang được làm quen với đề thi của kỳ thi THPT quốc gia
Giáo viên toán của một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho hay trong quá trình dạy và kiểm tra đánh giá, học sinh vẫn còn bỡ ngỡ với cách làm bài kiểm tra môn toán trắc nghiệm. Thầy Trần Mạnh Tùng, Tổ trưởng Bộ môn Toán Trường THPT Lương Thế Vinh, cho biết tổ toán của trường đã họp với nhau nhiều lần để thống nhất cách dạy và cách học cho có hiệu quả trong kỳ thi sắp tới, rèn luyện cho học sinh phương pháp tính toán nhanh. “Với khối 10, 11, chúng tôi thống nhất thi học kỳ 1 và kỳ 2 sắp tới sẽ giữ 50% trắc nghiệm và 50% tự luận để các em tiếp cận dần dần với hình thức trắc nghiệm còn khối lớp 12, chúng tôi kiểm tra học kỳ 100% trắc nghiệm theo mẫu đề minh họa. Bên cạnh đó, học sinh khối lớp 12 tăng cường làm thêm bài tập trắc nghiệm, tăng cường luyện thêm đề để cọ xát, làm quen với các cách trả lời câu hỏi theo nhiều hình thức khác nhau” – thầy Tùng cho hay.
Khó cho môn giáo dục công dân
Tuy đã thay đổi phương pháp dạy – học môn giáo dục công dân từ 2 tháng nay nhưng nhiều giáo viên vẫn cho rằng cả giáo viên và học sinh đều gặp khó trong việc dạy và học. Một giáo viên chia sẻ căn cứ vào đề thi minh họa môn giáo dục công dân thì học sinh khó có thể làm được hết bài thi vì một số nội dung viết trong sách giáo khoa còn chưa được đề cập nhiều. Đề thi minh họa môn bao quát nội dung về cuộc sống và hiểu biết về pháp luật xã hội, để làm hết những câu hỏi đòi hỏi học sinh không chỉ nắm vững về kiến thức trong sách giáo khoa mà còn phải học hỏi, trau dồi kiến thức ở ngoài.
Theo giáo viên này, kiến thức về pháp luật trong môn giáo dục công dân rất trừu tượng, nặng về lý thuyết, trong khi đề thi minh họa yêu cầu ngoài việc nắm chắc kiến thức, bắt buộc học sinh phải hiểu rõ luật và biết cách áp dụng mới có thể làm đúng bài được.
Ví dụ, đề thi có những khái niệm sách giáo khoa không đề cập như vi phạm quyền tác giả, vi phạm quyền sở hữu công nghiệp được quy định trong bộ luật dân sự… Trên thực tế, từ trước đến nay, nhiều giáo viên và học sinh đều coi môn giáo dục công dân là môn học phụ và thường kết thúc sớm trong năm học, số giờ học chỉ có 1 tuần/tiết là quá ít nên khó khăn cho cả giáo viên và học sinh. Giáo viên môn giáo dục công dân tại một trường đóng trên quận Bắc Từ Liêm nói thêm đề thi minh họa môn bao quát nội dung về cuộc sống và hiểu biết về pháp luật xã hội. Thời lượng 1 tiết/tuần như thế này rất khó dạy cho học sinh, để thí sinh đạt được điểm 9 -10 là rất khó.
Thi học kỳ cũng có đề riêng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có văn bản gửi tới các trường THPT yêu cầu bài kiểm tra cuối học kỳ 1 năm học 2016-2017 của khối 12 sẽ tổ chức kiểm tra các môn theo quy trình như thi THPT quốc gia 2017. Theo đó, học sinh được phát số báo danh, có đề thi riêng, mỗi phòng thi có giám thị trông thi… Việc chấm thi bảo đảm theo đúng quy trình, môn ngữ văn tự luận rọc phách, các trường chấm chéo, còn lại tất cả môn thi trắc nghiệm sẽ gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo để chấm bằng máy. |
Theo Yến Anh (Người lao động)