Chàng sinh viên ĐH Xây dựng Hà Nội ba lần vượt qua nỗi đau

Những tháng ngày “cơm nắm, muối vừng” nuôi ước mơ vào đại học đã được bù đắp khi Bùi Văn Ánh thi đỗ cả hai trường đại học có uy tín là HV Quân y và ĐH Xây dựng Hà Nội với số điểm cao. Nhưng một điều khủng khiếp đã ập đến, Ánh bị tai nạn giao thông đúng vào ngày lên thành phố nhập học.
Đó là những điều tôi được biết khi gặp gỡ trò chuyện về hoàn cảnh gia đình em Bùi Văn Ánh – một sinh viên giỏi sinh ra và lớn lên tại xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ba vụ tai nạn trong một gia đình có 5 người chỉ diễn ra trong vòng hai năm. Điều đó đã lấy mất đi nụ cười của Ánh, người con trai cả hiện tại là trụ cột chính trong gia đình, cũng là sinh viên Đại học Xây Dựng.
Nỗi đau chồng chất nỗi đau
Bùi Văn Ánh hiện đang là sinh viên năm thứ 3, ngành Xây dựng Cầu đường, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội. Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng ngay từ nhỏ Ánh đã luôn nỗ lực trong học tập. Liên tiếp trong nhiều năm Ánh đoạt danh hiệu HSG. Những năm học cấp III, Ánh đoạt giải cao trong kỳ thi HSG môn hóa học cấp tỉnh, đoạt danh hiệu Hoa trạng nguyên, tốt nghiệp THPT với tấm bằng loại giỏi. Những tháng ngày “cơm nắm, muối vừng” nuôi ước mơ vào đại học đã được bù đắp khi Bùi Văn Ánh thi đỗ cả hai trường đại học có uy tín là HV Quân y và ĐH Xây dựng Hà Nội với số điểm cao.
Ánh lựa chọn Trường HV Quân y với lý do sẽ được miễn giảm học phí, thuận lợi cho việc học tập cũng như xin việc sau này, phù hợp với hoàn cảnh gia đình của em. Nhưng một điều khủng khiếp đã ập đến, Ánh bị tai nạn giao thông đúng vào ngày lên thành phố nhập học. Bác sỹ kết luận, chân trái của Ánh bị gãy đôi. Điều này đã tước đi ước mơ trở thành sinh viên Học viện Quân y của em. Kỳ vọng của gia đình bị sụp đổ, bản thân Ánh cũng biết từ đây chính mình đã trở thành gánh nặng cho gia đình.

Bùi Văn Ánh, sinh viên Trường ĐH Xây dựng tuy có hoàn cảnh gia đình éo le nhưng vẫn luôn đạt thành tích cao trong học tập. (Ảnh: Đỗ Quyên Quyên).

Thời gian điều trị bệnh và hồi phục của Ánh diễn ra khá lâu. Ba tháng sau khi ngã Ánh mới được chống nạng để tập đi, đến tháng thứ tư Ánh bước đi khập khiễng. Hai năm sau, Ánh phải trải qua cuộc phẫu thuật đau đớn để tháo đinh ở chân. Hiện tại, chân của Ánh đã phục hồi được 70%.

Trở thành tân sinh viên ĐH Xây dựng, Ánh là người nhập học sau cùng. Thương con, mẹ Ánh lên tận trường học để chăm nom, kiếm sống từ công việc lao công vất vả. Hàng ngày, mẹ Ánh quét giảng đường, sân trường, tối hai mẹ con ở trong kho dành cho nhân viên lao động. Những đồng lương còm cõi của mẹ không đủ chi phí thuốc thang, sinh hoạt nhưng mẹ Ánh vẫn cố gắng để được ở trong trường, tiện cho việc đi lại của Ánh, để bên con mỗi khi “trái gió trở trời”chân đau nhức. Ban đầu Ánh mặc cảm nhiều với mọi người nhưng về sau cũng quen dần, bạn bè thường xuyên quan tâm, động viên Ánh.
Thế nhưng, chỉ một thời gian không lâu sau đó, bố của Ánh lại bị tai nạn, dập xương gót chân. Do bố “tham việc”, lại không chịu nghỉ ngơi nên chân của bố ngày càng nặng thêm. Hiện tại bố Ánh không làm được việc nặng. Những trận ốm liên miên khiến bố không chăm được đàn gà trong chuồng, đàn cá dưới ao. Khi chưa kịp thu hoạch thì chúng đã bị chết hết do nhiễm bệnh. Gia tài trong gia đình không có gì đáng giá, khó khăn trăm bề.
Cùng thời gian đó, người thầu lao động mới của Trường ĐH Xây dựng đã không cho mẹ con Ánh ở trong trường nữa. Ánh buộc phải ra ngoài ở với bạn, tự trang trải cuộc sống bằng việc đi dạy gia sư. Mẹ của em vẫn tất bật quãng đường từ Hà Nội về Ninh Bình, từ Ninh Bình lên Hà Nội để vừa chăm chồng con vừa làm thuê.
Thật không tưởng tượng nổi khi một lần nữa tai ương lại ập đến gia đình của Ánh. Em trai Ánh bị tai nạn giao thông trong ngày ôn thi đại học cuối cùng. Vụ tai nạn khủng khiếp đã gây ra “hệ lụy”đau thương, em trai Ánh bị chấn thương sọ não, liệt nửa người.
Như một tin sét đánh bên tai, gia đình Ánh hoàn toàn suy sụp.
Nghị lực từ những nỗi đau
Bố mẹ của Ánh đi làm thuê từ khi em còn rất nhỏ. Ánh kể cho tôi nghe về tuổi thơ thiếu vắng tình yêu thương, những kỷ niệm về bố mẹ đầy xúc động: “Mẹ của em là người rất đẹp và hiền. Mẹ không bao giờ đánh mắng em, chỉ nói rất nhẹ nhàng. Ai cũng bảo mẹ giống như cô giáo. Thế nhưng cuộc sống quá vất vả khiến mẹ ngày càng tiều tụy. Bố của em cả đời lao lực và thường xuyên mắc chứng mất ngủ. Nhiều khi bố phải uống rượu để ngủ nhằm quên đi mọi thứ. Nhưng bố không say được, những lúc như vậy bố hay thở dài và ngồi hết đêm. Những lần thức nói chuyện cùng nhau đã khiến hai bố con em trở nên hiểu nhau hơn. Học xa nhà, thương con mỗi khi có gì bố cũng nói gửi ra ngoài này cho em”.
Nhắc đến cậu em trai, giọng Ánh buồn buồn: Em ấy ít hơn em hai tuổi nhưng biết lo toan như một người trưởng thành. Từ nhỏ, cậu em trai đã làm mọi việc nặng nhọc, là lao động chính trong gia đình. Có lần, em trai đi phun thuốc trừ sâu cho lúa về mệt chẳng ăn uống được gì, nhiều lần làm cố những công việc dở dang nên em bị ốm cả tuần.Trong gia đình, Ánh thường được ưu tiên hơn nên không phải làm những công việc nặng nhọc. Anh nhớ lại: “Năm em học lớp 12, giữa trưa nắng chói chang, em trai và bố phải lụi cụi cắt từng thân lúa đổ gãy rạp sau trận bão. Em ra đồng thì bị bố đuổi về. Em bước về nhà, hơi giận bố, nhưng thương bố và em nhiều hơn.”
Nói đến đây Ánh không giấu nổi sự xúc động. 
Thương em trai, Ánh luôn mong em sẽ học tốt để có một tương lai tươi đẹp nhất. Rồi cũng đến năm em trai Ánh thi Đại học.

Khi em báo địa điểm thi, Ánh sốt sắng tìm chỗ thuê trọ và nhiều dự định sẽ đưa em đi chơi Hà Nội. Thế nhưng, cậu em trai chưa kịp dự thi ĐH Giao thông vận tải và Y học cổ truyền thì tai nạn giao thông lại bất ngờ ập xuống.

Thêm một lần đau đớn, Ánh nghĩ có lẽ nụ cười sẽ không bao giờ mỉm cười với em và gia đình.

Thế nhưng, qua rất nhiều giông bão, khát vọng thoát nghèo của một sinh viên tỉnh lẻ như Ánh vẫn không khi nào tắt. Quãng thời gian khó khăn đã giúp Ánh nhận ra nhiều điều mà trước đây đã không hề nghĩ tới, chưa bao giờ cậu sinh viên ĐH Xây dựng này lại thèm sống, khát khao sống như hiện tại.
Điều duy nhất khiến Ánh có thể làm là phấn đấu trong học tập.
Trong nhiều kỳ học tại Trường ĐH Xây dựng, Ánh đều đạt học bổng với điểm tổng kết cao. Bản thân Ánh lựa chọn ngành Xây dựng Cầu đường vì nghĩ đây là ngành cần nhân lực của nước nhà. Trở thành kỹ sư xây dựng không chỉ là ước mơ của Ánh mà còn là ước mơ của cả gia đình. Ánh tâm sự:“Nhìn mẹ tiều tụy mà em cảm thấy xót xa, không cầm nổi nước mắt, chỉ mong sao nước mắt mẹ không còn rơi vì sự vất vả, nhọc nhằn nữa, mà rơi vì hạnh phúc khi thấy con mình thành công”.
Khi gặp Ánh, tôi vẫn thấy em cười, một nụ cười vương nhiều nỗi buồn, đọng nhiều mệt mỏi. Thế nhưng điều đó thật đáng trân trọng, bởi sẽ còn đáng buồn hơn nếu như em không biết mình sẽ phải cười như thế nào nữa.

(Trích từ tinmoi.vn theo Nguồn : Giáo dục Việt Nam)

Trả lời